Trong làng, ai cũng là người quan trọng

Trong làng có vài chục nóc nhà, nhà chị là cửa hàng tạp hóa duy nhất. Gọi là tạp hóa cho sang, chứ thật ra chỉ có một quầy hàng nhỏ, gồm một cái giá bằng sắt hàn quấy quá, bày mấy loại bánh kẹo gia công rẻ tiền, vài chai nước mắm, mấy gói bột canh, vài bao thuốc lá, mấy vỉ pin con thỏ, mấy chai xăng, một can to rượu... và một tủ lạnh bia, nước ngọt. 

Chị bán hàng tên Út. Tính chị cũng xởi lởi, mở hàng chủ yếu “bán nợ”. Làng làm nghề biển có cái đặc trưng riêng, một tối “trúng quả” người ta có thể kiếm đến hàng triệu/chục triệu đồng, nhưng cũng có những tháng gió bão, biển động, cả làng cắp thúng đi ăn vay. Chị Út, cũng bởi thế, mà chẳng lời lãi gì nhiều, nhưng không thể đóng cửa hàng. Đôi khi, tôi thấy chị cũng giống như người đưa đò, không có người nối tiếp thì cứ phải làm vậy, vì người làng và có lẽ cả chị nữa, cũng đã mặc định cho mình cái “trọng trách” cấp phẩm cho cả làng!

Thế nên, hôm nay chị về quê, quầy hàng trống trải, cánh đàn ông trong làng thiếu điếu thuốc lá cũng phải chạy đi mua xa lắc, bọn trẻ con đi học về cũng chẳng có chỗ mua gói bim bim, hội chị em phụ nữ thì thiếu hẳn một điểm ngồi lê những lúc rỗi rãi. 

Chị đi vắng, cả làng buồn hiu.

Gần nhà chị Út, ở đầu làng, là nhà hai ông bà già người Hải Phòng, ông già có nghề điện nên mở một quán sửa chữa đồ điện kiêm bơm vá xe. Tay nghề của ông chắc không thể “trụ” nổi ở phố, nhưng ở cái làng biển nghèo nàn này, người ta coi ông cứ như “thần đèn”, bất cứ thứ gì hỏng hóc, họ đều bảo: “Mang sang ông Xoàn!”. Thế là, người làng cứ kìn kìn mang đến nhà ông từ cái nồi cơm điện không lên đèn, cái tivi không có hình, cái quạt không quay cho đến cái xe máy không nổ... Ông già chỉ ở nhà cặm cụi sửa đồ lặt vặt, còn bà già thì chiều nào cũng quét dọn đường làng cho bọn trẻ con chạy chơi đỡ bụi bẩn. 

Người làng ai cũng trông ngóng ông bà. 

Trong làng cũng có một bác thợ xây rất được người làng “trọng vọng”. Dù thuộc hàng khá giả nhất trong làng vì “có nghề”, nhưng bác cũng nghèo vì những công trình bác nhận được cũng chỉ là những căn nhà cấp bốn bé tin hin, đã thế, người ta lại còn hay nợ, có khi mấy năm mới trả được hết. Thế nhưng bác chưa bao giờ nề hà việc gì.

Ở làng, mỗi người một nghề, loanh quanh giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa vào nhau mà sống như cái rừng phi lao trước biển, cây nọ chắn gió, bao bọc cho cây kia, vững vàng qua bao gió bão. 

Ở đảo, ai cũng có quê.

Hồi những năm 79, 83, người ta di dân ra đảo làm kinh tế mới, rồi gắn bó đến giờ. Có nhiều thế hệ đã sinh ra, lớn lên ở đảo. Đảo là sinh kế, rồi thành nhà, thành quê quán của những thế hệ tiếp nối. Dù phương tiện đi lại ngày càng hiện đại hơn, đường sá ngày càng thuận tiện hơn, nhưng với người dân đảo, quê quán - đất liền vẫn cứ là một khái niệm xa xôi. 

Thế nhưng quê quán đối với họ vẫn rất đỗi thiêng liêng, đất liền vẫn cứ là một niềm mong nhớ. Thế nên, cứ hễ ai mới “ở trong quê ra”, là người làng lại có quà. Có khi chỉ là vài quả khế ngọt, mấy quả cam “cây nhà lá vườn”, nhưng người ta vẫn cất công mang vác mấy đỗi đường ra tận đảo, rồi chi chút chia cho làng xóm. Cứ thế, người ta bồi đắp thêm tình làng nghĩa xóm, thắm thiết đến độ, căn nhà nào không sáng đèn mỗi tối, người làng lại ra ngóng vào trông. Cứ thế, mỗi người trong làng đều trở nên quan trọng, như ruột rà, máu thịt của nhau.