Triển vọng từ cổ phiếu dầu khí

Thị trường chứng khoán đang diễn biến tiêu cực, song nhiều cổ phiếu dầu khí lại bền bỉ “lội ngược dòng”. Những yếu tố nào đang nâng đỡ chỉ số cho cổ phiếu của nhóm này?
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm cổ phiếu dầu khí có sự tăng trưởng ngoạn mục nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh và giá dầu thế giới liên tục tăng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhóm cổ phiếu dầu khí có sự tăng trưởng ngoạn mục nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh và giá dầu thế giới liên tục tăng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Sắc xanh hy vọng

Sáng 14/9, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã diễn ra không mấy tích cực do chịu ảnh hưởng từ tin xấu về lạm phát của nước Mỹ. Theo đó, dữ liệu công bố ngày thứ ba (13/9) của Cơ quan Thống kê lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 0,1% so tháng 7 và tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước. Trước đó, ước tính từ Bloomberg cho thấy, các nhà kinh tế dự đoán CPI của Mỹ sẽ tăng 8,1% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,1% so tháng trước.

Chỉ báo này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không những không “hạ nhiệt” đà tăng lãi suất tại kỳ họp vào tháng 9 này (kỳ vọng chỉ tăng 50 điểm cơ bản, so với lần tăng trước là 75 điểm) mà còn có thể nâng mức tăng lên tới 100 điểm cơ bản.

Tin xấu vĩ mô khiến chỉ số VN-Index mất hơn 18 điểm ngay khi mở cửa, xuống dưới đường hỗ trợ MA50 (chỉ số trung bình 50 ngày gần nhất) với 1.231 điểm. Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, số mã giảm điểm cao gấp khoảng 10 lần mã tăng điểm. Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 17,23 điểm (tương đương 1,38%), xuống 1.231,17 điểm với 43 mã tăng, trong khi có tới 396 mã giảm.

Tuy vậy, trong khi toàn bộ cổ phiếu trong rổ VN30 đều giảm điểm, các nhóm ngành cơ bản cũng giảm theo đà như: Tiêu dùng giảm 1,60%; năng lượng giảm 0,1%; tài chính giảm 1,36%; bất động sản giảm 1,15%; chăm sóc sức khỏe giảm 1,49%; công nghệ thông tin giảm 0,96%... thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại có diễn biến khá tích cực.

Thời điểm 9 giờ 30 phút sáng 14/9, khi VN-Index rơi 14 điểm thì mã PVB (Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam) tăng đến 5,3%, PVD (Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí) tăng 2,5%, PVS (Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) tăng 1,1%...

Trước đó, nhóm cổ phiếu này đã có sự tăng trưởng ngoạn mục kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh và giá dầu thế giới liên tục tăng. Theo quan sát của người viết, trong năm 2021, mã BSR (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn) tăng tới 115%, PVT (Tổng công ty CP Vận tải dầu khí) tăng 62%, PVD (Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí) tăng gần 56%, PVS và POW (Tổng công ty Điện lực dầu khí) tăng lần lượt 37% và 32%...

Thời điểm cuối năm 2021, khi giá dầu thế giới tiệm cận mức 100 USD/thùng, hàng loạt công ty chứng khoán đã chọn dầu khí là chủ điểm đầu tư của năm 2022 do đây là nhóm cổ phiếu chu kỳ, được hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi, trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ tăng chậm, 50% trữ lượng dầu khí ở Việt Nam chưa được khai thác...

Bước sang năm 2022, đặc biệt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào ngày 24/2, giá dầu thế giới đã tăng mạnh như dự báo, có lúc vượt đỉnh 20 năm là 120 USD/thùng. Từ ngày 18 đến 25/2, mã PVT tăng 50%; PVC (CTCP Hóa chất và dịch vụ dầu khí) tăng 32%; PSE của Dầu khí Đông Nam Bộ và PSW của Dầu khí Tây Nam Bộ đều tăng trên mức 30%; OIL (Tổng công ty Dầu Việt Nam) tăng 10,5%...

Đánh giá về xu hướng biến động giá dầu trong tương lai, tại một cuộc tọa đàm hôm 8/9, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo giá dầu thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao, một số tổ chức quốc tế cho rằng, giá dầu bình quân năm 2022 dao động trong khoảng 100 - 115 USD/thùng (cao hơn khoảng 40 - 60% so với năm 2021) sau đó mới giảm dần vào năm 2023, 2024. Theo đánh giá của Bank of America (BoA) và tổ chức Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh. Từ đó, giới quan sát cho rằng, cổ phiếu dầu khí vẫn còn cơ hội nối dài tăng trưởng.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2022, thông tin về đại dự án Lô B - Ô Môn tại Cần Thơ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn, đã trở thành một trợ lực mới cho nhóm cổ phiếu dầu khí.

Nhờ trợ lực này, mặc dù giá dầu vào cuối tháng 8/2022 đã hạ 20-30% so thời điểm giữa tháng 6/2022, có lúc xuống mức thấp hơn lúc chưa xảy ra xung đột Nga - Ukraine, giá cổ phiếu dầu khí vẫn bền bỉ leo dốc.

Một số luận điểm đầu tư cần lưu ý

Theo TS Lê Đức Khánh, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPS, đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, cơ hội mới chỉ bắt đầu. Ông Khánh cho rằng, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu chứng khoán sau nhiều năm nghiên cứu chu kỳ vận động của nền kinh tế và các nhóm cổ phiếu chu kỳ đã đưa ra nhận định rằng, nên đầu tư vào các nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ như cao-su, hóa chất, dầu khí vì đây là những cổ phiếu hứa hẹn mang lại mức sinh lời hợp lý, kể cả trong môi trường lạm phát leo thang.

“Không phải không có lý khi nhà đầu tư huyền thoại W. Buffet đã tiết lộ hồi đầu năm là công ty Bershire Hathaway của ông đã và đang đầu tư lớn vào các doanh nghiệp dầu khí”, ông Khánh nói.

Một lý do khác để đầu tư vào cổ phiếu dầu khí, theo ông Khánh, nhóm này đang có những đòn bẩy nhờ các dự án trọng điểm từ các mỏ dầu khí như Lạc Đà Vàng, Tê Giác Trắng, Hải Thạch Mộc Tinh, LNG Thị Vải, Sư Tử Trắng giai đoạn 2 và đặc biệt là dự án Lô B - Ô Môn. Những cổ phiếu hưởng lợi bao gồm GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP), PVD, PLX (Petrolimex), BSR, PVX, OIL,…

Tuy vậy, theo ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời gian tới giá dầu sẽ nghiêng về xu hướng ổn định dựa trên hai động lực: OPEC+ giảm sản lượng khiến giá dầu có thể tăng nhưng việc Mỹ tăng nhanh lãi suất làm kinh tế suy thoái sẽ khiến nhu cầu về dầu giảm và giá giảm.

Trong khi đồng ý với luận điểm, một số doanh nghiệp dầu khí như PVS, PVD, GAS, PVC, PVB… sẽ hưởng lợi từ các dự án, ông Bình lưu ý rằng, hiện tại dự án Lô B - Ô Môn vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nên khó có thể dựa vào dự án này để kỳ vọng lợi nhuận trong ngắn hạn.

Trước đó, dự án này đã chậm trễ rất nhiều năm do vướng nhiều quy định, thủ tục (Quy hoạch điện VI dự kiến Ô Môn 3 và 4 đưa vào vận hành năm 2013 - 2014). Tại báo cáo thường niên 2021, Ban lãnh đạo PVD kỳ vọng, các dự án trọng điểm của ngành dầu khí như Lô B - Ô Môn sẽ được triển khai trong năm 2022. Điều này sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp dầu khí có hoạt động ở khâu thượng nguồn như GAS, PVD, PVS…

Tuy nhiên, dự án này đến nay chưa có thêm thông tin nào thật sự đáng giá, ngoài sự kiện Thủ tướng Chính phủ có chuyến công tác tại Cần Thơ vào tháng 6/2022, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thượng nguồn (Lô B) trong chuỗi dự án Lô B - Ô Môn.

Trao đổi ý kiến với PV Báo Thời Nay, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng dự án Lô B - Ô Môn được triển khai trong năm 2022 vẫn chỉ là kỳ vọng bởi vì cho đến nay, UBND thành phố Cần Thơ chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) chưa được trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại,…

Vị chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ diễn biến dầu thế giới, các biến số vĩ mô, các dự án… là có cơ sở, tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý thêm từng câu chuyện riêng của mỗi cổ phiếu trước khi đầu tư, thí dụ tiềm năng mở rộng quy mô, năng lực tài chính, kết quả kinh doanh…

Khuyến nghị cụ thể, ông Trương Quang Bình cho rằng, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu dầu khí có thể bán ra chốt lãi dần và thận trọng khi mua mới, trong bối cảnh thị trường chung đang có sự điều chỉnh giảm.