Trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump mô tả cuộc điện đàm là “rất tốt đẹp và hiệu quả”, đồng thời hy vọng các bên có thể đạt được mục tiêu chấm dứt xung đột. Trong tuyên bố sau cuộc điện đàm, Nhà trắng cho hay Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã nhất trí “tiến trình hòa bình sẽ bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng, cùng các cuộc đàm phán kỹ thuật về việc thực hiện lệnh ngừng bắn trên Biển Đen, tiến tới lệnh ngừng bắn toàn diện và hòa bình vĩnh viễn”. Trong khi đó, phát biểu ý kiến trên mạng xã hội X, ông Kirill Dmitriev - Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách hợp tác kinh tế và đầu tư với nước ngoài - gọi cuộc điện đàm là thời khắc “lịch sử” và hiện “thế giới đã trở nên an toàn hơn”.
Điện Kremlin ra thông cáo khẳng định, Tổng thống Putin sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm cách thức khả thi nhằm đạt được một giải pháp toàn diện, bền vững và lâu dài nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Ukraine. Moscow yêu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng và bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nga trong lĩnh vực an ninh. Tổng thống Putin cũng đồng ý với sáng kiến ngừng bắn 30 ngày vào các cơ sở năng lượng và đã lập tức yêu cầu quân đội Nga thực hiện. Như một cử chỉ thể hiện thiện chí, Tổng thống Nga thông báo về một cuộc trao đổi tù binh lớn vào ngày 19/3, đồng thời trao trả cho phía Ukraine 23 thương binh nặng.
Tuy nhiên, Nga nêu điều kiện then chốt để ngăn chặn leo thang xung đột phải là chấm dứt hoàn toàn việc hỗ trợ quân sự nước ngoài và cung cấp thông tin tình báo cho Kiev. Đây là điểm khúc mắc chính giữa Nga và các nước phương Tây. Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine sẽ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện giữa Moscow và liên minh quân sự này. Theo đó, Nga đề xuất giải pháp khả thi là cử phái đoàn quan sát viên không vũ trang hoặc một nhóm giám sát dân sự để giám sát thỏa thuận hòa bình.
Cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua tại Ukraine gây tổn thất lớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để đi đến hòa bình. Dù còn nhiều vấn đề cần tìm tiếng nói chung nhưng thiện chí giải quyết hòa bình cuộc xung đột này cho thấy những tia hy vọng về việc sớm chấm dứt chiến tranh. Theo tuyên bố của Điện Kremlin, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump cũng nhất trí nỗ lực chung nhằm ổn định tình hình ở khu vực khủng hoảng và thiết lập hợp tác về các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu. Điều này sẽ góp phần cải thiện bầu không khí chung trong quan hệ Nga-Mỹ.
Trong bối cảnh này, nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác đã được xem xét, trong đó có kinh tế và năng lượng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố sắc lệnh cho phép Quỹ đầu cơ 683 Capital Partners của Mỹ mua chứng khoán của các công ty Nga từ một số tổ chức tài chính phương Tây khác. Ngoài ra, sắc lệnh cũng cho phép hai công ty Nga được mua chứng khoán thuộc sở hữu của 683 Capital Partners mà không cần sự phê duyệt của Tổng thống Putin. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga đã liên tục thắt chặt các hạn chế đối với việc bán tài sản nước ngoài, trong đó mọi giao dịch liên quan lĩnh vực năng lượng và tài chính đều phải được Tổng thống Putin phê duyệt. Hiện, các nhà đầu tư phương Tây đang mong chờ cơ hội thực hiện các giao dịch tài sản của Nga.
Cuộc điện đàm thượng đỉnh Nga - Mỹ được đánh giá là dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ song phương, mở ra cơ hội quan trọng hướng tới cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Dù hai nhà lãnh đạo chưa có kế hoạch gặp mặt trực tiếp song việc tái thiết lập các cơ chế đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau cho thấy việc sớm bình thường hóa quan hệ song phương là khả thi. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với điểm nóng xung đột Ukraine mà với an ninh và ổn định toàn cầu.