Ngược thượng nguồn

Trên dòng sông Trẹm

Có rất nhiều con sông đẹp chảy qua mảnh đất cực nam Tổ quốc. Mỗi con sông là một câu chuyện, gắn với một huyền thoại, một dấu ấn riêng. Chảy qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, sông Trẹm là dòng sông nổi tiếng trong cuộc sống và trong văn chương, nghệ thuật. Người dân nơi đây quen gọi con sông với cái tên thân thương, mộc mạc: sông Trèm Trẹm.
0:00 / 0:00
0:00
Ngã ba sông Trẹm, huyện Thới Bình.
Ngã ba sông Trẹm, huyện Thới Bình.

Tuổi thơ qua dòng sông Trẹm

Không được sinh ra bên dòng sông Trẹm, song tuổi thơ tôi đã nhiều lần qua lại trên dòng sông này bằng xuồng, ghe - những phương tiện di chuyển quen thuộc của người dân vùng sông nước Cà Mau. Trong số những con kênh đổ ra sông Trẹm, tôi thường đi bằng kênh Zero (con kênh thẳng tắp mà hai đầu là hai con sông nổi tiếng: sông Cái Tàu và sông Trẹm). Đi trên kênh Zero, khi đã đến rạch Vòng lớn, rạch Vòng nhỏ, tôi biết mình sắp sửa đổ ra sông Trẹm. Không bao lâu, trước mắt tôi là con sông mênh mông, sóng oải oạp vỗ bờ, vỗ vào lườn xuồng từng đợt.

Chợ Thới Bình nằm bên dòng sông Trẹm, ôm sát khúc cua từ sông Trẹm rẽ lên hướng Huyện Sử, Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Đó là khu chợ đông đúc, tồn tại trăm năm trước. Lúc nào chợ Thới Bình cũng sầm uất, người người sôi nổi trao đổi hàng hóa, buôn bán, khiến cho dòng sông Trẹm rộn rã trong những sớm tinh khôi. Tôi thường theo má chở rổ, thúng, đồ nan (thương hiệu nổi tiếng của xứ Cái Tàu) ra chợ Thới Bình bán. Chúng tôi đi từ khi sao vẫn còn mọc trên bầu trời, khi đến sông Trẹm thì trời vừa ửng sáng. Tôi được dịp nhìn ngắm dòng sông Trẹm khoảnh khắc bình minh. Khi chưa đến chợ, hai bên sông Trẹm là nhà dân thưa thớt, những khóm dừa nước mọc san sát bờ, trở thành “bức tường rào” ngăn cho dòng sông không sạt lở bởi sóng. Đến khu vực chợ, hai bên bờ sông là những xóm nhà xúm xít, cất nhô ra sông, kiểu nhà sàn. Hầu như nhà nào cũng kinh doanh mua bán các loại phương tiện như vỏ lãi, xuồng bê-ca, bán gạo, bán thúng rổ nan… Má tôi cũng hay ghé lại để mời mọc bán sỉ cho đỡ vất vả. Phía bên kia sông, chợ Thới Bình đông đúc, người người nườm nượp, tiếng trao đổi giá cả, lựa chọn hàng hóa… xôn xao cả một vùng sông rộng. Khi âm thanh ấy hạ xuống là lúc mặt trời sắp lên trên đỉnh đầu. Sông Trẹm trắng sóng. Dòng sông sáng rực, trông như tấm vải lụa mầu trắng vắt ngang qua mảnh đất Thới Bình huyền thoại.

Trên dòng sông Trẹm ảnh 1

Sông Trẹm trong buổi sớm mai.

Sông nuôi phần xác, sông nuôi phần hồn

Khởi đầu từ sông Trẹm, có một đường sông dẫn đến đất Kiên Giang, đất Tây Đô. Trước đây, tàu cao tốc hoạt động trên dòng sông mỗi ngày hai chuyến (cao tốc Nghĩa Hiệp và cao tốc Lan Anh), giờ đã vắng hơn, có hôm không hoạt động, hoặc nếu có đi lại cũng chủ yếu là chở hàng hóa thay vì đông nghịt khách như trước. Đi tàu cao tốc, tôi có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp và sự sầm uất trên dòng sông này. Sông Trẹm cung cấp một nguồn thủy hải sản vô cùng phong phú cho người dân nơi đây. Bên cạnh nghề làm vó bên bờ sông, đánh lưới, đặt lú dưới sông, nghề câu cá chẽm cũng phổ biến trên dòng sông này. Không chỉ giúp cho người dân kiếm thêm thu nhập mà còn tạo nên đặc sản khô, mắm Cà Mau trứ danh.

Nói sông Trẹm nuôi vô vàn người dân xứ này, cả thể xác lẫn tâm hồn, quả không sai. Chị Châu Ngọc Tuyết (ngụ tại Kênh Xáng Bình Minh) ngày nào cũng xuôi ngược sông Trẹm mưu sinh. Chị sống bằng nghề buôn bán đủ thứ, khi thì bán hàng bông, mùa Tết bán dưa hấu, ngày thường thì bán than gỗ, bán cừ tràm... Chị thường chở hàng từ U Minh, theo kênh Zero hay một vài con kênh lân cận, đổ ra sông Trẹm, theo đường lên tận Vĩnh Thuận lấy hàng bông hoặc bỏ mối cừ tràm. Bằng đôi mắt long lanh trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi tuổi, chị chia sẻ: “Người dân xứ này gắn chặt với sông Trẹm. Ngày nào tôi cũng buôn bán trên dòng sông này. Nhờ công việc bán than, bán cừ tràm… mà tôi xây được nhà tường, nuôi được các con vào đại học”. Tôi biết chị Tuyết không diễn đạt được bằng ngôn từ hoa mỹ, nhưng thực tâm chị yêu dòng sông Hậu thiết tha.

Từ dòng sông này, từ mảnh đất Thới Bình anh hùng, nhiều người đã ra đi, thành nhân chi mỹ, họ lại trở về xây dựng quê hương Thới Bình thêm giàu đẹp. Họ không có khát vọng bay cao, bay xa, chỉ mong quê mình ấm no, sung túc. Đó là khát vọng chân phương, dung dị và xúc động vô cùng. Quê hương Thới Bình ngày nay thay da đổi thịt, trở thành huyện phát triển, thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây. Hôm nay, muốn qua sông Trẹm không phải đợi những chuyến phà xuôi ngược nữa. Chiếc cầu treo nối liền tỉnh lộ 983B, ngang qua sông Trẹm, giáp mặt với đường Xuyên Á hướng về Cà Mau (phải), Kiên Giang (trái). Chiếc cầu này là một trong những minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quê hương Thới Bình.

Dòng sông trong văn chương

Cũng như những dòng sông khác ở mảnh đất cực nam Tổ quốc, sông Trẹm trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Không thể không kể đến tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” của tác giả Dương Hà, tác phẩm văn học lấy đi nước mắt của bao người, kể về mối tình nồng nàn nhưng lại không môn đăng hộ đối của nhân vật Triệu Vĩ và Mỹ Lan, dẫn đến chia cắt. Tiểu thuyết lấy sông Trẹm làm bối cảnh chính. Bởi lẽ đây là dòng sông thơ mộng, hữu tình, phong cảnh thiên nhiên trù phú nên dễ đi vào lòng các văn nghệ sĩ. Từ tiểu thuyết này, vở cải lương “Bên dòng sông Trẹm” ra đời. Soạn giả Huỳnh Anh đã chuyển thể tiểu thuyết của Dương Hà thành vở cải lương để dễ dàng đến với công chúng Nam Bộ. Vở cải lương có sự tham gia của các nghệ sĩ như: Minh Phụng, Phượng Liên, Kiều Hoa, Kiều Tiên… một thời làm mưa làm gió trên sóng truyền hình.

Ngoài ra, các ca khúc như: “Về thăm sông Trẹm quê em” (tân cổ, sáng tác: Ngô Hồng Khanh, biểu diễn: Minh Cảnh và NSƯT Mỹ Châu), “Bên dòng sông Trẹm” (sáng tác: Phan Ni Tấn, biểu diễn: ca sĩ Hương Lan)… cũng bắt nguồn từ dòng sông này.

Hình ảnh dòng sông Trẹm luôn in sâu vào tâm khảm của người dân huyện Thới Bình nói riêng, người Cà Mau nói chung. Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông ít nhiều đã được khắc phục, người dân dần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sông nước. Đây là một đóng góp quan trọng để sông Trẹm và hệ thống sông ngòi Cà Mau trở nên trong sạch hơn.

Sông Trẹm dài khoảng 42km, bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng - Cán Gáo chảy về đến ngã ba sông Ông Đốc, ngang qua huyện Thới Bình. Lưu vực của sông Trẹm được tính từ ngã ba sông Cái Tàu (huyện U Minh) tiếp nối đến giáp ranh Vàm Xáng (Thứ Mười Một, huyện An Minh, Kiên Giang). Sông Trẹm là dòng chủ lưu cung cấp nước cho một số kênh rạch khác như Chắc Băng (Kênh Xáng Vĩnh Thuận), Thị Phụng…