Để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật trong những ngày cao điểm nắng nóng, Bộ Y tế và các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12 - 16 giờ hằng ngày) nếu không có việc cần thiết. Khi phải ra ngoài trời nắng nóng, cần có phương tiện dụng cụ để tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Nếu phải làm việc ngoài trời, mỗi người cần phải tự tạo điều kiện bảo hộ tốt, có yêu cầu kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, chủ động sắp xếp công việc cho phù hợp để bảo đảm sức khỏe. Cùng với đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nếu mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh. Cũng như không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; cần tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…
Hỗ trợ hơn 350 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tính đến thời điểm hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã hỗ trợ 357 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, các TCTD đã thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng, cho vay mới 275 tỷ đồng. Trước đó, tháng 3-2019, NHNN đã có Văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, đối với lúa gạo, riêng vụ đông xuân năm 2019, các TCTD tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cấp hạn mức tín dụng hơn 24.000 tỷ đồng và đã thực hiện giải ngân cho vay gần 17.000 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo.