Tránh để chuyển tuyến gây quá tải hệ thống y tế

Bỏ hay không giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Hoặc nên bỏ để bệnh nhân đỡ vất vả. Hoặc cho rằng không thể vì sẽ gây áp lực cho tuyến trên và ảnh hưởng tới Quỹ BHYT.
0:00 / 0:00
0:00
Các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: HẢI NAM
Các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: HẢI NAM

Dễ gây áp lực lên tuyến trên

Theo quy định, bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên T.Ư thì phải xin giấy chuyển viện. Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục này đã thành “hủ tục” vì gây khó cho bệnh nhân và người nhà khi có nhu cầu điều trị tuyến cao hơn, chất lượng tốt hơn. Trên nghị trường Quốc hội ngày 20/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T.Ư) kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT. “Người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc”, GS nói.

Tuy nhiên, ý kiến này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bà Nguyễn Phương Lan, cán bộ hưu trí trú quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng ta vừa qua đại dịch Covid-19, phải vực dậy tuyến y tế cơ sở, đầu tư cả nhân lực và vật lực để phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nếu “dễ dãi” cho chuyển tuyến thì càng làm cho tuyến y tế cơ sở thu hẹp lại. Bác sĩ, nhân viên y tế không còn việc để làm. Tương lai

y tế cơ sở sẽ về đâu?”. Ông Nguyễn Thái Hòa, cán bộ hưu trí quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng ý kiến: “Chẳng hạn, một bệnh nhân với bệnh thông thường, ở tuyến dưới có thể điều trị rất tốt nhưng về tâm lý phải đi thẳng lên T.Ư, sẽ gây tốn kém mọi mặt cho người bệnh”. Các ý kiến từ đại diện các bệnh viện tuyến T.Ư đều nhấn mạnh, bỏ giấy chuyển tuyến sẽ phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích.

Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, trung bình mỗi ngày mổ 30 ca cấp cứu và 250 ca mổ phiên. Trong khi bệnh viện chỉ có 50 phòng mổ. Dù bệnh nặng hay nhẹ, khi vào khám, điều trị, bệnh viện không được từ chối. Bệnh viện phải đối mặt việc quá tải đã nhiều năm nay. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, người bệnh sẽ dồn đến nhiều hơn. TS, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Cùng với quá tải là chất lượng điều trị sẽ giảm. Qua quá trình thực hành chuyên môn hằng ngày, chúng tôi thấy bệnh nhân và người nhà chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới nên họ muốn chuyển tuyến”.

TS, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang - Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất thông cảm những tình huống ở tuyến dưới, đôi lúc do trình độ, do hiểu biết nên có những sai sót dẫn đến làm chậm quá trình điều trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ giấy chuyển tuyến, gây ách tắc ở tuyến trên thì tỷ lệ sai sót, tử vong còn cao hơn rất nhiều”.

Đại diện các bệnh viện cho rằng, có ba lý do để duy trì giấy chuyển viện. Đó là giữ thông tin của người bệnh, giảm quá tải tuyến trên và quy định phân tuyến điều trị. TS Dương Đức Hùng nói: “Ngoài thủ tục hành chính, nó còn liên quan đến những thanh toán cho người bệnh, bảo hiểm, mức hưởng và đặc biệt là cụ thể hóa, chi tiết hóa những thông số về mặt chuyên môn để giúp cho tuyến trên khi tiếp nhận người chuyển tuyến, người ta có ngay thông tin toàn diện về mặt bệnh tật cũng như mức chi trả”.

PGS, TS Nguyễn Công Hoàng, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng ta có danh mục kỹ thuật của các bệnh viện thì những danh mục nào bệnh viện thực hiện được thì bệnh nhân phải điều trị ở đó. Muốn lên tuyến trên thì cơ sở khám, chữa bệnh đó có quyền quyết định về việc này. Nếu các danh mục kỹ thuật của cơ sở đó chưa làm được thì bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên”.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng: Nếu không duy trì tuyến sẽ phá vỡ hệ thống. Thí dụ những trường hợp thông thường như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi... đến mổ ruột thừa… có thể điều trị ở tuyến y tế cơ sở. Hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp... có thể điều trị tuyến huyện. Nếu tất cả người bệnh này dồn lên tuyến T.Ư sẽ lãng phí nguồn lực. Tuyến dưới sẽ rất khó duy trì hoạt động. Ngoài ra, bỏ phân tuyến gây ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Tăng chi phí cho người bệnh vì người bệnh phải đi lại, tăng chi cho quỹ BHYT, cho xã hội. Thí dụ nếu điều trị ở tuyến dưới tiền giường bệnh, chi phí thấp hơn.

Tránh để chuyển tuyến gây quá tải hệ thống y tế ảnh 1

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: NHƯ AN

Kỳ vọng giấy chuyển tuyến và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử

Bộ Y tế cũng khẳng định, giấy chuyển viện là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Nếu bỏ giấy để bệnh nhân đăng ký ở bất cứ cơ sở nào sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, giấy chuyển viện nhằm bảo đảm hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Đến 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc.

Thực tế, tình trạng người dân gặp nhiều “nhiễu nhương” khi xin giấy chuyển tuyến thì nay đã cải thiện rất nhiều. Chẳng hạn, trong quy định cũ, bệnh viện A khi làm giấy chuyển tuyến lên trên, bác sĩ tuyến trên chỉ định điều trị gì cho bệnh nhân thì số tiền này cũng sẽ bị tính vào quỹ BHYT của bệnh viện A. Do đó, các bệnh viện siết rất chặt việc chuyển tuyến, nhằm bảo đảm an toàn cho quỹ của viện mình, tránh nguy cơ vỡ quỹ. Nhưng nay, chuyện quỹ bảo hiểm cho từng bệnh viện đã bị bỏ, tất cả đưa về BHXH Việt Nam quản lý. Nhờ vậy, các bệnh viện “thoáng” hơn trong vấn đề chuyển viện.

Một vấn đề khác cũng được cải thiện là trước đây, khi chuyển lên tuyến trên, tháng nào bệnh nhân cũng phải xin giấy chuyển viện. Tuy nhiên, mọi thông tin nay đã được tích hợp trên cổng bảo hiểm, bác sĩ kiểm tra trên mạng sẽ có tất cả, người bệnh chỉ cần trình giấy lần đầu. Do vậy, bệnh nhân xin giấy chuyển viện ở thời điểm nào trong năm cũng được dùng luôn cho đến hết đợt điều trị, khi nào hết năm mới phải xin lại giấy khác.

Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang nghiên cứu áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giúp cho việc cấp giấy được thuận tiện, nhanh chóng. Mới đây, vào tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định 75, bỏ phương thức tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề), thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế, bệnh viện không còn gặp khó khi “tổng chi phí khám chữa của năm sau luôn cao hơn năm trước”. Điều này giúp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh khi khám chữa ở tuyến trước. Dự kiến, giấy chuyển tuyến sẽ được làm theo hình thức điện tử.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi thông tuyến, tỷ lệ người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã giảm mạnh chỉ còn 14%. Năm 2021, sau khi được thông tuyến tỉnh nội trú tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến tỉnh tăng hơn nữa.