Tranh cãi về kênh đào Panama và đảo Greenland

Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã xới lên tranh cãi gay gắt, khi ông Trump cảnh báo Mỹ sẽ “đòi lại” kênh đào Panama và “sở hữu” đảo Greenland của Đan Mạch. Ngay lập tức, Panama khẳng định lại chủ quyền và nền độc lập, trong khi Đan Mạch thẳng thắn bác bỏ ý định của “chủ nhân” sắp tới của Nhà trắng.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Ảnh: AP
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Mỗi m2 kênh đào đều thuộc về Panama

Trong tuyên bố cuối tuần trước, ông Trump cáo buộc Panama tính phí sử dụng kênh đào quá cao và cho rằng, Panama nên giao lại cho Mỹ nếu không thể quản lý theo cách thức chấp nhận được. Cả khi phát biểu ý kiến trước những người ủng hộ ở bang Arizona và trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đều nhấn mạnh các khoản phí mà Panama thu thật vô lý, khi tính đến sự hào phóng đặc biệt mà Mỹ dành cho Panama.

Được khởi công xây dựng vào năm 1904 và chính thức đi vào hoạt động 10 năm sau đó, kênh đào Panama và khu vực chung quanh do Mỹ kiểm soát toàn diện từ năm 1914 cho tới năm 1977, khi Mỹ và Panama đạt thỏa thuận lịch sử về quyền kiểm soát. Tháng 12/1999, quyền kiểm soát được chính thức chuyển giao cho Cơ quan quản lý kênh đào Panama, một tổ chức độc lập của quốc gia Trung Mỹ này.

Dài 82 km vắt qua eo đất Panama, kết nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng, cho phép 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm tới 25% khối lượng giao thương đường biển toàn cầu. Hiện tại, phí sử dụng kênh đào dao động từ 0,5 USD đến 300.000 USD, tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền qua lại. Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất để xây dựng kênh đào và hiện cũng là nước sử dụng nhiều nhất.

Phản hồi về cảnh báo “đòi lại”, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino tái khẳng định chủ quyền của Panama đối với kênh đào. Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội X, ông Jose Raul Mulino nêu rõ: Mỗi m2 của kênh đào và khu vực chung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy. Nền độc lập và chủ quyền của Panama là điều không thể thương lượng. Panama không tùy tiện áp dụng và mức phí lưu thông qua kênh đào không phải được thiết lập theo ý thích.

Trong tuyên bố ủng hộ Panama, Tổng thống Mexico, Claudia Sheinbaum cũng nhấn mạnh: Trên thực tế, kênh đào Panama thuộc về người Panama.

Tranh cãi về kênh đào Panama và đảo Greenland ảnh 1

Căn cứ Putuffik của quân đội Mỹ tại Greenland. Ảnh: CNN

Greenland không phải để bán

Trong khi đó, phát biểu ý kiến khi công bố đề cử Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch nhiệm kỳ tới, ông Trump cũng bóng gió đề cập về đảo Greenland, vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch. Trong bình luận sau đó trên mạng xã hội Social Truth, ông Trump viết: Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết.

Với diện tích khoảng 2,16 triệu km2 và 55.000 cư dân sinh sống, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Trở thành lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch từ năm 1814, Greenland giàu tài nguyên thiên nhiên, phần lớn chưa được khai thác vì 80% diện tích đảo do băng tuyết bao phủ.

Với căn cứ không quân Pituffik của Mỹ ở phía tây bắc hòn đảo, Greenland có tầm quan trọng chiến lược đối với quân đội và hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ về tên lửa đạn đạo. Ít nhất 4 chính quyền Mỹ từng đề cập hoặc chính thức đặt vấn đề với Đan Mạch về thỏa thuận “sang nhượng” Greenland. Mới nhất, năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump cũng đã đề xuất việc “mua lại” đảo này từ Đan Mạch. Đề xuất này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Đan Mạch. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định “không bao giờ chuyển giao Greenland”.

Lãnh đạo Greenland Mute Egede đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ, khẳng định “Greenland không phải để bán”. Trong tuyên bố bằng văn bản gửi truyền thông Đan Mạch, nhà lãnh đạo Greenland nêu rõ: Greenland là của chúng tôi và chúng tôi không được phép để mất thành quả nỗ lực giành tự do của mình!

Một số thành viên nghị viện và đảng phái ở Greenland đề nghị Chính phủ Đan Mạch ra tuyên bố khẳng định quyền kiểm soát Greenland không phải vấn đề để thảo luận. Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Đan Mạch đề cập thông điệp của lãnh đạo Greenland Mute Egede khẳng định, Greenland không phải để bán.