Tài hoa nghề thêu
Làng thêu long bào theo tài liệu xưa, thì đã xuất hiện từ những năm 1746 dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng. Tương truyền rằng, có một vị quan tên Lê Công Hành trong một lần sang Trung Quốc đã học được kỹ thuật thêu thùa và khi về thì truyền lại cho người dân ở đây. Sau này người dân xã Quất Động thành thục kỹ thuật thêu ren còn người dân Đông Cứu chuyên thêu áo ngự, long bào. Lê Công Hành từ đó trở thành tổ nghề và được người dân làng nghề Đông Cứu lập đền thờ tự.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu là ngôi làng duy nhất tại Bắc Bộ giữ được lối thêu hoa văn cổ, phục dựng long bào cho quan lại, quý tộc và vua chúa trong triều đình xưa. Công cụ của các thợ nghề không quá cầu kỳ và nhiều, nhưng công sức và sự kỳ công được bỏ ra thì vô cùng lớn. Việc thêu trang phục cung đình đòi hỏi những người thợ có sự tỉ mỉ, tập trung và khéo léo. Với những quy tắc khắt khe, mang tính chuẩn mực trong quá trình thêu long bào thì có những bộ trang phục phải mất hàng năm trời để hoàn thành.
Nghệ thuật thêu long bào, áo ngự của người dân Đông Cứu điêu luyện đến mức các vua triều Nguyễn xưa đã vời vào tận kinh đô Huế để thêu những chi tiết hoa văn cho các bộ trang phục trong hoàng cung. Bà Nguyễn Thị Mai (một thợ thêu tại làng Đông Cứu) chia sẻ: “100% các chi tiết đều thêu bằng tay nên đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo và đặt cái tâm của mình vào từng đường kim mũi chỉ. Vì làm thủ công nên sẽ không có bộ nào giống bộ nào. Áo vua thì sẽ có các họa tiết và cách phối mầu khác với áo hậu. Cách phối mầu ở mỗi bộ cũng khác nhau nữa”.
Hiện nay, công nghệ thêu sử dụng máy đã được áp dụng tại đây nhưng hầu hết chỉ dành sử dụng cho những bộ trang phục có giá thành thấp, đáp ứng nhu cầu tạm thời của người dùng. Một bộ sản phẩm được làm bằng tay hoàn toàn có giá trung bình từ 100 triệu đồng, với những bộ thiết kế riêng hoặc đặc biệt thì giá lên tới 400-500 triệu đồng, thậm chí có bộ long bào thêu chỉ vàng đính ngọc thì có giá lên tới cả tỷ đồng. Mức giá “đủ ăn cho cả năm” tưởng như cao nhưng lại chẳng thấm vào đâu bởi những bộ trang phục thêu bằng tay sẽ tốn rất nhiều công sức và thời gian kéo dài. Bù lại những sản phẩm này thường có hồn hơn và chứa đựng những gì tinh túy nhất của một người thợ thêu, từng đường chỉ, từng chi tiết đến chất liệu đều vô cùng sắc sảo và khéo léo.
Khó tìm truyền nhân
Trong 572 hộ dân tại làng Đông Cứu thì có tới hơn 90% số hộ làm nghề thêu truyền thống. Giống như các làng nghề khác, thêu long bào, áo ngự đã trở thành công việc chính và giúp cuộc sống của người dân trên địa bàn thay đổi, có nhiều gia đình thậm chí đổi đời. Không chỉ tạo nên những sản phẩm có giá trị cao cả về tinh thần và vật chất, làng nghề Đông Cứu đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách gần xa muốn đến tận nơi chiêm ngưỡng những người thợ tỉ mỉ vắt từng sợi kim tuyến.
Tại làng Đông Cứu đã có hơn 100 hộ mở xưởng với nhân lực từ 10-20 thợ thêu. Người dân sống tại đây từ nhỏ đã được tiếp cận với loại hình này và tiếp thu theo phương thức truyền miệng, dần dần sẽ được thực hành. Nhưng không phải ai cũng có thể tiếp nhận và duy trì truyền thống này bởi tính kiên trì và tỉ mỉ đòi hỏi rất cao. Và cũng giống như bao các làng nghề khác, làng Đông Cứu vẫn đang tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để giữ chân được các lao động trẻ tiếp nối truyền thống, giữ lửa cho làng thêu long bào?”.
Làng nghề thủ công thêu Đông Cứu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia và các nghệ nhân đang ngày ngày gìn giữ, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử để bảo tồn giá trị văn hóa của làng nghề. Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu tự hào: “Uy tín của làng nghề được thể hiện qua các sản phẩm được khách hàng tin dùng rất nhiều, lượng đặt hàng ngày càng lớn, giá trị đơn hàng ngày càng cao khiến các người thợ cũng phấn khởi hơn, đam mê hơn”, nhưng ông cũng băn khoăn: “Khi mà thế hệ trẻ đang ngày một giảm đam mê với nghề truyền thống thì trong tương lai xa, những giá trị bao đời nay sẽ ra sao?”.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề, bà Nguyễn Thị Mai, cơ sở may Chiến Thắng, làng Đông Cứu chia sẻ: “Phải yêu nghề, đam mê thì mới trụ được! Tỉ mỉ, tập trung là chưa đủ, người thợ cần phải trau dồi liên tục để hoàn thiện đường kim, mũi kim của mình sao cho chuẩn chỉnh. Hầu hết những người thợ ở làng bây giờ là những người lớn tuổi, nếu có người trẻ thì chắc là cha truyền con nối chứ các bạn giờ thường không hứng thú lắm với công việc gần như phải ngồi im và lặp lại hằng ngày như vậy”.