Trầm mặc trong nghìn mẫu đá

Xứ B’lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) bình yên, tĩnh tại và cũng thật phù hợp cho sự có mặt của một bảo tàng đá mang cái tên rất đẹp là Hoa Tài Ngọc Châu. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận địa chỉ này là Bảo tàng đá lớn nhất Việt Nam - xác lập kỷ lục Guinness.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc trưng bày của Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu.
Một góc trưng bày của Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu.

1/Tôi đứng bên hàng rào đá của Hoa Tài Ngọc Châu và ngắm không gian xứ Lộc Nga tươi đẹp. Dòng suối dưới chân cầu róc rách nước chảy từ nguồn xa về. Vườn cà-phê của những nông phu láng giềng một mầu xanh thắm. Rừng sũng nước dưới màn mưa núi Tà Đùng vời vợi. Trong không gian ấy, Hoa Tài Ngọc Châu trông có vẻ trầm mặc và kỳ bí lạ. Trong nhà là đá, ngoài rào là đá, chung quanh nền đất hay lối đi líu ríu cỏ dại là đá.

Ở đây, đá giữ vai trò trung tâm, đá thay người tự tình, tâm sự. Đinh Công Phương - ông chủ đời thứ nhất của cái công viên đá này là người yêu đá, hiểu biết về các khung giá trị của đá. Ông nói với tôi: “Mỗi hòn đá đều tiềm ẩn linh hồn. Khi nhìn vào những viên đá, tôi linh cảm tới những sinh linh đang hiện hữu trên cõi đời này. Có rất nhiều du khách đến đòi mua lại những viên đá này với giá hàng chục nghìn đô-la nhưng tôi không bán, vì với tôi, chúng quý hơn bất cứ thứ gì…”.

Còn người tiếp nối sự nghiệp của người cha mình, đang quản lý và khai thác bảo tàng đá Ngọc Châu là Đinh Công Hiếu, cũng kế thừa luôn tình yêu máu thịt với đá của bậc sinh thành. Hiếu tâm sự: Cái quý giá nhất của các tác phẩm đá đối với những người có niềm đam mê và am hiểu về chúng đó chính là “chất tĩnh” của mỗi tác phẩm. Thông qua sắc thái, hình thù của từng hiện vật, tác phẩm thì người chơi, nghệ nhân sẽ hòa mình ngắm nhìn, cảm nhận để đặt tên cho từng tác phẩm riêng. Chính chất tĩnh trong mỗi tác phẩm đá khiến niềm đam mê đá luôn nhẹ nhàng, lành mạnh và luôn trường tồn theo thời gian…

2/Nói tiếp về Đinh Công Phương, quê ông ở một vùng thượng du miền bắc, theo gia đình vào miền nam từ nhỏ. Thuở còn đi học, Phương cùng một vài người bạn thường rủ nhau lang thang phiêu bạt đây đó và bắt đầu tiếp xúc với đá. Rồi tiếp đó, có một thời gian dài, ông chuyển sang làm nghề khai thác lâm sản. Trong những lần đi rừng, Phương vẫn thường bắt gặp những viên đá đẹp đến mê hồn và từ lúc đó ông bắt đầu có ý thức gom góp chúng lại cho bộ sưu tập tương lai. Để có những viên đá, hòn đá đẹp và giá trị, Đinh Công Phương đã phải ròng rã qua nhiều cánh rừng, lặn mò nhiều con sông, dòng suối ở nhiều vùng quê khác nhau để tìm kiếm. Năm nào ông cũng bỏ vài tháng đi lùng kiếm đá cho bộ sưu tập đầy đam mê của mình.

Bởi tình yêu với các loài đá thiên nhiên quý giá, bởi lòng đam mê và sự dày công tìm kiếm mà đến nay cha con ông Đinh Công Phương và Đinh Công Hiếu đã có một “tài sản” quý giá là bộ sưu tập hàng nghìn tác phẩm đá độc đáo và hấp dẫn đang được trình bày trong công viên do ông Phương buổi đầu tạo lập có diện tích hơn năm mẫu tây bên chân cầu Lộc Nga. Trong không gian có phần tĩnh tại như một chốn “thiền” là nơi “trú ngụ” của hàng nghìn hòn đá, viên đá lớn nhỏ mang nhiều dáng vẻ và mầu sắc khác nhau với ý thức sắp đặt theo chủ đề của ông chủ sành chơi đá. Bắt đầu từ những hàng quân đá trụ làm hàng rào uy nghi bên ngoài vườn đá, đến những dáng thạch trầm tư có mặt trong mọi góc vườn, bên những cây cổ thụ hay dòng thủy lưu róc rách. Trong bảo tàng chính có ba phòng trưng bày hàng nghìn m2, với hơn 3.500 hiện vật, tác phẩm đá các loại. Mỗi viên đá đều mang hình dáng, mầu sắc và ý nghĩa khác nhau khiến người xem cảm thấy thích thú về sự tạo tác của tự nhiên. Những viên đá này có nguồn gốc từ các loại đá thiên nhiên như: mã não, opal, thạch anh, gỗ hóa thạch, thiên thạch... Hầu hết đều được giữ hình dạng nguyên thủy, chưa có sự tác động, chỉnh sửa của con người.

Trong bộ sưu tập của Hoa Tài Ngọc Châu, tôi được ngắm những hòn đá mang nhiều hình dáng lạ như: đá hình đầu ngựa, hình tê giác, hình núi lửa, hình cây, hay hình các loại thú vật trong thiên nhiên. Ở công viên đá này, chủ nhân còn sưu tầm được một số loài cây trái lạ hay bộ cánh cửa sắt đẹp nhất Đông Dương có 100 năm tuổi, những chiếc xe hơi cổ, những bánh xe ngựa có nguồn gốc cao nguyên, những căn nhà được làm bằng gỗ cà-phê mít trên 100 năm tuổi và rất nhiều loại cổ vật khác. Tất cả những hiện vật độc đáo tồn tại trong một không gian được sắp đặt có ý thức ấy càng làm cho khu vườn, cho những phòng trưng bày thấm đẫm thêm mầu sắc cổ kính và mang dáng vẻ huyền bí của xứ sở Tây Nguyên hoang dã…

Khi lập vườn đá, ông Phương cũng truyền luôn những kinh nghiệm về đá cho người dân địa phương. Ông chỉ cho họ cách nhận biết những hòn đá có giá trị và không mấy lâu sau, cả khu vực này mọi người đều đã trở thành những người sành chơi đá cảnh. Người dân Lộc Nga có thêm một nghề mới là vào rừng, vào suối tìm đá quý, đá đẹp về bán lại cho ông chủ công viên đá và họ coi đó như một nghề mưu sinh trong dịp nông nhàn hay những lúc khó khăn.