Tiếp lửa truyền thống
Sau thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève rút quân về nước và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, miền bắc và Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.
Trong không khí nô nức mừng hòa bình của nhân dân cả nước, đúng 8 giờ sáng ngày 10-10-1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn quân tiên phong 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, dẫn đầu các đơn vị QĐND Việt Nam, trong đó có những người con Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô, tiến vào trung tâm thành phố giữa rừng cờ hoa đón chào của đông đảo người dân.
Vào lúc 15 giờ cùng ngày, lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Thủ đô được giải phóng đã diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là sân Đoan Môn), thuộc Hoàng thành Thăng Long - Di sản thế giới. Buổi lễ đặc biệt năm ấy do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự chủ trì của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố (sau này là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố), cùng sự tham gia của các đơn vị quân đội tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào Hà Nội.
Trong số các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 của năm nay, chuỗi chương trình “Ký ức mùa thu” đã tái hiện được gần như trọn vẹn những hồi ức hào hùng và khơi dậy cảm xúc tự hào về mốc son lịch sử thông qua nhiều hoạt động đặc sắc theo bốn nội dung chính: Trưng bày ảnh tư liệu về “Hà Nội mùa thu năm ấy”; Tái hiện lễ chào cờ lịch sử tại vị trí sân Đoan Môn nơi 65 năm trước từng diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô; giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học về những ký ức của Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954; ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô mang tên “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”.
Triển lãm ảnh và tư liệu “Hà Nội mùa thu năm ấy” kéo dài nhất trong chuỗi chương trình, diễn ra từ ngày 6-10 tới 25-12. Không gian trưng bày gồm 200 hình ảnh, tư liệu chia làm ba chủ đề chính: Chủ đề đầu tiên mang tên “Ra đi giữ trọn lời thề” kể lại hồi ức từ Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), quyết tử ở Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa cho tới những năm kháng chiến gian khổ ở núi rừng Việt Bắc trong giai đoạn 1946 - 1954. Chủ đề thứ hai “Hà Nội ngày trở về” là những hình ảnh đoàn quân tiếp quản Thủ đô và lễ chào cờ chiến thắng ngày 10-10-1954. Cuối cùng, các mô hình căn hộ tập thể, tiệm may và cửa hàng mậu dịch quốc doanh là những minh họa gần gũi và rõ ràng nhất tái hiện công cuộc “Xây dựng cuộc sống mới”, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sau khi hòa bình lập lại.
Các cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh: VƯƠNG ANH
Kỳ vọng từ hồi ức hào hùng
Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ và thời khắc vinh dự được làm lễ chào cờ trong ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng, Đại tá Vũ Kiểm (94 tuổi) chia sẻ: “Năm đó, tôi cùng các chiến sĩ Sư đoàn 308 về Hà Nội trước một ngày để làm công tác tiền trạm, chuẩn bị tiếp quản. Chúng tôi về đóng quân trong thành. Sáng 10-10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xe đến và hỏi có anh em nào người Hà Nội không, tất cả có 15 người lên xe đi thăm Hà Nội một vòng rồi buổi chiều tập kết về sân Cột Cờ để làm lễ chào cờ”.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc tới nhiều đóng góp và hy sinh của những chiến sĩ không thể có mặt trực tiếp trong đoàn quân tiến vào trung tâm thành phố vì nhiệm vụ bảo đảm cho Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra an toàn. Phóng viên Thời Nay đã có một số cuộc phỏng vấn để hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của các cựu chiến binh thầm lặng ngày ấy, cũng như nguyện vọng gửi gắm thế hệ mai sau. Chia sẻ hồi ức về Ngày Giải phóng Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng An ninh (Bộ Công an) nhớ lại: “Ngày 10-10-1954, trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, với vai trò là cán bộ Công an Hà Nội, tôi cùng các đồng đội đã tản ra xây dựng cơ sở trong nội thành để bảo vệ quá trình tiếp quản an toàn. Tôi còn nhớ có người đồng đội Tống Thị Hòa, nữ trinh sát xã hội hóa với bí danh T114 từng phát hiện và ngăn chặn sớm âm mưu của kẻ thù định ném lựu đạn vào đoàn quân tiến vào Thủ đô. Mặc dù không được trực tiếp tham gia thời khắc lịch sử giải phóng Hà Nội, nhưng tôi cảm thấy vui sướng vì được trở về Thủ đô và trở thành công dân của một đất nước độc lập. Sau khi tiếp quản nhà lao Hỏa Lò và trụ sở của Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt, tôi luôn nhớ tới được những bạn tù, những người đồng đội cũ bị tra tấn, giam cầm và hy sinh ở hai nơi này. Hơn 400 người thuộc lực lượng Công an Hà Nội ngày ấy có tới gần 200 liệt sĩ và hơn 100 người từng trải qua nhà tù của thực dân Pháp”.
Khi được hỏi về kỳ vọng thế hệ trẻ đối với trách nhiệm giữ ngọn lửa truyền thống anh hùng, ông Nguyễn Huy Du, cựu Đại đội trưởng Pháo binh tham gia bảo vệ vòng ngoài cho cuộc tiếp quản Hà Nội năm xưa chia sẻ: “Chứng kiến nhiều bạn trẻ tham gia chương trình “Ký ức mùa thu” hôm nay, tôi chỉ mong mỏi thế hệ sau tiếp nối được truyền thống vẻ vang của cha ông, tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những cựu chiến binh chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng của thanh niên và coi thế hệ sau là tấm gương phản chiếu tinh thần sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc gọi”. Cùng chung kỳ vọng đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh đặc biệt nhấn mạnh thêm: “Riêng với thế hệ trẻ của lực lượng an ninh hiện nay là những người được đào tạo bài bản, chọn lọc kỹ càng và đặc biệt có niềm tin vững vàng theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Trong bối cảnh hiện tại, mặc dù đối tượng và đối tác đan xen phức tạp nhưng tôi tin tưởng thế hệ trẻ của lực lượng công an có thể vừa cương quyết, vừa khôn khéo khi đối phó kẻ thù, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho”.
Trong vai trò một nhân chứng của Ngày Giải phóng Thủ đô và là người dành cả đời nghiên cứu những dấu mốc lịch sử, theo dõi sự phát triển của Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Đối với các bạn trẻ hiện nay, bài học lịch sử lớn nhất chính là sức mạnh của niềm tin. Mùa đông năm 1946, khi rời Hà Nội sau 60 ngày đêm khói lửa, những người con của Trung đoàn Thủ đô ra đi kháng chiến với lời ước hẹn ngày về. Niềm tin chiến thắng thiêng liêng đó đã trở thành sức mạnh quyết tâm, không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước. Niềm tin không chỉ đem lại sức mạnh trong thời kỳ chiến tranh, mà còn cả thời bình”.