Theo số liệu báo cáo của các quận, huyện, thị xã, đến hết tháng 11/2022, toàn thành phố giảm được 1.487/723 hộ nghèo, đạt 192,1% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 dự kiến còn 0,1%, tương đương hơn 2.200 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 1,38% (đầu năm) dự kiến xuống còn 1,07% (cuối năm), tương đương còn 23.500 hộ cận nghèo.
Có 11/12 quận (trừ Hoàng Mai) và 5/18 huyện, thị xã (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) không còn hộ nghèo; trong đó có ba quận không còn hộ cận nghèo (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình). Trong năm, có thêm các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Thanh Trì không còn hộ nghèo và hai quận Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ cận nghèo.
Kế thừa từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999, điểm đặc sắc của phong trào “Tết nhân ái” là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, gồm tặng quà và đi kèm chuỗi “Chợ Tết nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, cỗ Tết, hoạt động vui Tết. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội sẽ tổ chức ít nhất hai phiên chợ nhân đạo tại địa bàn huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín. Thông qua phong trào này, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố đặt mục tiêu vận động nguồn lực xã hội để tặng ít nhất 45 nghìn suất quà đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết Nguyên đán. Thời gian tặng quà tập trung cao điểm từ ngày 1/1/2023 đến ngày 16/1/2023 (từ ngày 10 đến 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần 2022).
Theo Ban tổ chức chương trình, nét mới của phong trào “Tết nhân ái” Xuân Quý Mão 2023 là các chương trình được thiết kế theo nguyên tắc tôn trọng quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi. Tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương, phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng. Cách thức tổ chức các hoạt động cũng đa dạng, hấp dẫn hơn, có thể lồng ghép các trò chơi dân gian, vẽ tranh, chụp ảnh, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, giao lưu văn nghệ trong các phiên chợ nhân đạo. Cùng với đó, việc tặng quà sẽ được tiến hành theo hình thức trao trực tiếp tại các gia đình, mời đối tượng được tặng quà đến trụ sở các cơ quan cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn hoặc được trao qua phiên chợ nhân đạo.
Trong những năm qua, không chỉ làm tốt công tác giảm nghèo, TP Hà Nội còn làm tốt công tác bảo trợ xã hội. Trong tháng 11, các trung tâm bảo trợ xã hội đã tiếp nhận 24 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào chăm sóc. Thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 454 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có 37 người tâm thần lang thang, ốm yếu do các bệnh viện bàn giao. Cùng với việc làm tốt công tác chăm sóc các đối tượng đặc thù, các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi các gia đình có người tử vong, bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn, đặc biệt, đã thực hiện hỗ trợ đột xuất đối với các gia đình của 29 nạn nhân với số tiền 778,4 triệu đồng.