Tình trạng lạm dụng rượu, bia chưa giảm

Với nhiều người, nhậu được coi là một sinh hoạt văn hóa, dù biết rằng uống rượu, bia nhiều là không tốt, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe, đe dọa tính mạng bản thân và những người chung quanh. Tình trạng lạm dụng bia, rượu quá đà vẫn diễn ra phổ biến, song để xóa bỏ việc lạm dụng thì có quá nhiều trở ngại.
0:00 / 0:00
0:00
Vào mỗi giờ tan tầm, các hàng quán thường tập trung rất đông khách.
Vào mỗi giờ tan tầm, các hàng quán thường tập trung rất đông khách.

1/ Vào giờ tan tầm buổi chiều, tại nhiều khu vực có không gian thoáng đãng ở nhiều đô thị, các quán bia chật kín người, có khi ngồi tràn ra vỉa hè, biến nơi đây thành điểm kinh doanh. Ở nhiều tuyến phố, phần vỉa hè trước mỗi quán nhậu đều được chủ hộ kinh doanh tận dụng triệt để, bàn ghế nhỏ được kê sát nhau, phủ kín ra tới gần mặt đường. Vì thế, không khó bắt gặp những cảnh người đi bộ phải nhường đường cho thực khách ngồi ở vỉa hè.

Ngồi nhậu, uống rượu, bia trên vỉa hè là hành vi cản trở phổ biến đối với hành lang đi bộ ở khu vực đó, và là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Tuy ảnh hưởng là thế, nhưng đến thời điểm hiện tại, trong tất cả các văn bản pháp luật của Việt Nam (các luật và văn bản dưới luật) đều không có quy định xử phạt đối với người ngồi nhậu, uống rượu, bia ở vỉa hè.

Người nhậu đã không bị phạt, nhưng đối với những người kinh doanh cũng không có chế tài xử phạt rõ ràng. Mặc dù pháp luật quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về những hành vi bán hàng ở vỉa hè, các tuyến phố quy định cấm bán hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 nghìn - 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, mức phạt này không thấm vào đâu so phần lợi nhuận mà các chủ cửa hàng có thể thu được. Hiện nay, cũng chưa có quy định nào hạn chế quán nhậu nên nhà hàng, quán xá từ bình dân đến cao cấp cứ mọc lên như nấm sau mưa ở bất kỳ đâu. Với mức lợi nhuận cao, nhiều nơi cho phép khách thoải mái gọi rượu, bia và hò “một, hai, ba… zô” cho khí thế. Và để tăng doanh thu, tại các quán nhậu, nhà hàng thường có đội ngũ nhân viên tiếp thị của các hãng rượu, bia thay nhau đến từng bàn mời chào, quảng cáo trực tiếp miễn sao thực khách gọi thêm bia, uống thêm rượu càng nhiều càng tốt.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), mức độ sử dụng bia, rượu của người Việt Nam vượt xa so tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất tới 1,2 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu (thậm chí có thể hơn vì chưa kiểm soát được sản lượng rượu thủ công tự nấu), tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên đến 8-10%. Vì vậy, Việt Nam luôn nằm trong nhóm đầu các nước tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới. Một điều nữa là tình trạng sử dụng rượu, bia diễn ra ngày càng rộng rãi trong giới trẻ, đang ở mức đáng báo động. Đặc biệt là tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép ở cả hai giới đều khá cao.

2/ Đã có quy định cấm nhậu trong giờ hành chính nhưng thực tế chuyện này vẫn xảy ra dưới danh nghĩa “tiếp khách”. Nhậu trong giờ hành chính là vi phạm quy chế làm việc của cơ quan. Nhưng sau giờ hành chính, ở một số nơi, các quán nhậu còn đông khách hơn phòng tập gym, sân bóng, bể bơi.

Nhiều năm qua, số vụ tai nạn giao thông vẫn có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tai nạn liên quan rượu, bia. Sau những cuộc vui “chén chú, chén anh”, nhiều người đã không còn tỉnh táo nhưng vẫn tự tin lái xe rồi gây tai nạn, cướp đi mạng sống, sức khỏe của những người vô tội. Thực trạng đó khiến dư luận xã hội bức xúc và rất hưởng ứng quy định cấm lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia, song những vụ vi phạm liên quan nồng độ cồn vượt mức cho phép vẫn diễn ra không ít, trong đó có những vụ để lại hậu quả khôn lường khi người lái không làm chủ được vô-lăng, như vụ lái xe say xỉn đâm thẳng vào những người đang đứng chờ mua xăng ở cây xăng đường Láng (Hà Nội) tối 12/8 mới đây.

Khi đề cập vấn đề kiểm tra, xử phạt khách nhậu quá đà nhưng vẫn tự mình lái xe tham gia giao thông, đại diện các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông đều có chung nhận định, xử lý người say xỉn lái xe không khó. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có rất nhiều quán nhậu, nhà hàng ở mọi ngõ, ngách thì với lực lượng chuyên trách mỏng, không đủ quân số sẽ rất khó để đồng loạt dàn quân chốt chặn, kiểm tra xử lý.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, một số tác hại do bia, rượu có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hoặc ngộ độc rượu, bia… Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe, xa hơn là các vấn đề xã hội bị ảnh hưởng như suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội. Tuy nhiên, đến nay số lượng rượu, bia được tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng tăng.