Tín hiệu tích cực về lao động, việc làm sau Tết

Những ngày đầu năm mới, đông đảo người lao động đã trở lại với công việc thường ngày. Đây là tín hiệu vui cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho hoạt động sản xuất trở lại sau một thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động đăng ký tìm việc làm tại một phiên giao dịch lưu động trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Người lao động đăng ký tìm việc làm tại một phiên giao dịch lưu động trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Hơn 99% số lao động ở phía bắc trở lại làm việc

Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tính đến nay đã có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc. Riêng ngành dệt may có 67,74% doanh nghiệp mở cửa sản xuất, với 69,06% công nhân quay trở lại làm việc, do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Và ngay từ ngày làm việc đầu tiên, công nhân, viên chức, người lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho biết, sau Tết, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời tham mưu, báo cáo với cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt với Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công. Tập trung vào các hoạt động cốt lõi của Công đoàn là chăm lo, bảo vệ người lao động; hoạt động Công đoàn hướng đến thực chất hơn.

Tại địa phương là trung tâm công nghiệp phía bắc như Bắc Ninh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này cho biết, tính đến ngày 1/2 đã có 1.190 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp sản xuất trở lại với hơn 307.000 lao động làm việc (đạt 99,6%). Ở doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, số người lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt 107.000 người (đạt 99,5%), chủ yếu là lao động thuộc doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp: Khắc Niệm, Hạp Lĩnh (huyện Tiên Du), đa nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong), làng nghề công nghệ cao Tam Sơn (TP Từ Sơn)...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cơ bản đã ổn định về lao động sau Tết, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, hơn 150.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại làm việc ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, tất cả 403 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại bình thường với hơn 175.000 công nhân. Theo khảo sát của công đoàn, các chủ doanh nghiệp tại Bắc Giang đã chuẩn bị đầy đủ các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân, lao động của công ty đi làm lại sau Tết với khí thế hăng hái, phấn khởi.

Sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tính đến nay, trong số các doanh nghiệp hoạt động trở lại đã có gần 95% số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trở lại làm việc. Việc các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã góp phần khuyến khích người lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp cũng đã cải thiện chính sách hỗ trợ, thưởng Tết và phúc lợi dành cho người lao động. Một số doanh nghiệp tổ chức những chuyến xe miễn phí đưa người lao động về nhà ăn Tết và trở lại làm việc; có phần quà “lì xì” cho người lao động trở lại làm việc đúng thời gian.

Tín hiệu tích cực về lao động, việc làm sau Tết ảnh 1

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: KIM HIẾU

Nguồn lao động ổn định ở nhiều tỉnh, thành phố phía nam

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, sau Tết Nguyên đán 2023, tỷ lệ lao động vào làm việc tại thành phố đạt 95%, trong đó lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 94,7%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 97,6%.

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nên người lao động có suy nghĩ thay đổi hơn các năm trước, tình trạng đổi việc sau Tết không còn là xu hướng như các năm nhằm ổn định việc làm trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó trong năm 2022 các doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm để ổn định nguồn lao động cũng góp phần tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành có 49 nghìn lao động trở lại làm việc sau Tết (đạt hơn 98%); Khu công nghiệp Biên Hòa với hơn 160 nghìn lao động (đạt tỷ lệ 94%); huyện Nhơn Trạch với hơn 83 nghìn lao động (đạt gần 93%) đã bắt tay vào sản xuất.

Tín hiệu khả quan khác diễn ra ở địa bàn Bình Dương. Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 86% số doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 83,5%). Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 88%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 89%. Đầu năm mới, các doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 10.000 lao động (chủ yếu là lao động có tay nghề). Đây là cơ hội cho những lao động thất nghiệp trở lại Bình Dương tìm việc làm vào đầu năm mới.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TP Hồ Chí Minh là khoảng 280.000 - 300.000 việc làm cho người lao động. Theo tính toán của Trung tâm, dân số thành phố năm 2023 ước tính sẽ là 9,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là hơn 4,8 triệu người, chiếm 50,8% tổng dân số (tăng khoảng 200.000 người so năm 2022).

Dự kiến năm 2023, GRDP của thành phố sẽ tăng từ 7,5% đến 8%. Để đạt mức tăng trưởng trên, Trung tâm đã dự báo nền kinh tế thành phố trong năm 2023 cần khoảng gần 5 triệu lao động (tăng khoảng 120.000 đến 130.000 chỗ làm việc so với năm 2022). Ngay sau Tết có 499 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển thêm 14.379 lao động, tập trung vào lĩnh vực may mặc, da giày (5.000 vị trí), điện - điện tử (2.200 vị trí), hóa nhựa (800 vị trí), bán buôn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (1.000 vị trí)...

Để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các cơ quan có liên quan nắm bắt diễn biến tình hình lao động tại các doanh nghiệp. Tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, trong đó chú trọng việc kết nối lao động ở các tỉnh đến thành phố để tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo kế hoạch trong tháng 2/2023, trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều hoạt động giao dịch việc làm do các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức Chương trình Tiếp sức người lao động để kết nối người lao động tại các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Ngoài ra sẽ có nhiều phiên, sàn trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức để doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động trong quý I/2023.

Trong quý I và quý II/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra. Đặc trưng của thị trường lao động là hai quý đầu năm thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350 - 400 nghìn lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Trước bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, sản xuất gỗ... để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm...