Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng kinh tế quý I

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023. Tín hiệu đang cho thấy kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng 6,98%. Ảnh: BẮC SƠN
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng 6,98%. Ảnh: BẮC SƠN

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Mỹ, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II/2024. “Năm ngoái, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 5%. Tuy vậy, với những tín hiệu tích cực từ đầu năm, doanh nghiệp đặt kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng 10% đã đề ra”.

Giai đoạn khó khăn nhất đã trôi qua

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm %; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%; ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023, đóng góp 0,4 điểm %.

Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.

Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,08% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm %; ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 điểm %.

Nhìn nhận kết quả này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.

“Theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%)”, bà Hương đánh giá.

Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam bước qua quý I với nhiều điểm sáng tích cực với các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn FDI đăng ký mới tăng cao, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 điểm…

“Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%”, ông Thành cho hay.

Về phía thị trường chứng khoán, VN Index đang có giai đoạn phục hồi tốt lên gần 1.300 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với nhiều phiên giao dịch “tỷ USD”, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về sự hồi phục của kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu sôi động ở một số khu vực, một số dự án lớn sau thời gian dài chờ đợi đã bắt đầu công tác bán hàng. “Giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã trôi qua”, ông Thành nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành cũng nhìn nhận rõ hiện vấn đề vẫn nằm tại thị trường bất động sản, dù Chính phủ có nỗ lực lớn nhưng chưa hồi phục. Ngoài ra, tiêu dùng có vẻ chững lại, đầu tư tư nhân, vay tín dụng còn có dấu hiệu quan ngại.

“Trong giai đoạn này, dù doanh nghiệp hay nhà đầu tư, nhà điều hành chính sách, phải có công cụ phòng thủ và biết nhặt nhạnh cơ hội để vượt khó, không được quên nắm bắt xu thế số, xanh. Chuyển biến về hành động, đừng quá bi quan, mà hãy nắm bắt cơ hội để vượt thách thức, từ đó giúp doanh nghiệp mình, giúp đất nước”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, dù kết quả tăng trưởng ở một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng trong nước vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức.

“Những diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo”, bà Hương nêu rõ.

Hai kịch bản tăng trưởng năm 2024

Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật hai kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01.

Kịch bản 01 (năm 2024 tăng 6%): Quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.

Kịch bản 02 (năm 2024 tăng 6,5%): Quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 01, Chính phủ cần tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực cụ thể.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

“Đối với xuất nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; tranh thủ ở mức cao nhất cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam”, bà Hương khuyến nghị.