Tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ

Người dân Mỹ vừa trút gánh nặng về nguy cơ suy thoái sau khi chứng kiến nền kinh tế số một thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong quý III. Đây là quý tăng trưởng dương đầu tiên trong năm 2022, mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế “xứ cờ hoa”.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng tại Mỹ khởi sắc do chi tiêu dùng và đầu tư tăng mạnh. Ảnh: MSNBC NEWS
Tăng trưởng tại Mỹ khởi sắc do chi tiêu dùng và đầu tư tăng mạnh. Ảnh: MSNBC NEWS

Tín hiệu tích cực

Bộ Thương mại Mỹ cuối tuần trước thông báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tăng trưởng 3,2% trong quý III. Đây là lần đầu trong năm nay kinh tế Mỹ tăng trưởng dương trở lại sau hai quý đầu tăng trưởng âm, với các mức giảm 1,6% quý I và 0,6% quý II, khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng quý III đạt được chủ yếu nhờ chi tiêu dùng và đầu tư tăng mạnh. Với mức tăng trưởng như vậy, giới chức Mỹ dự báo tăng trưởng trong cả năm 2022 sẽ ở mức 2,9%, cao hơn dự báo trước đó là 2,6%. Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ việc cân bằng lại giữa nhập khẩu và xuất khẩu, với lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ giảm xuống vì người tiêu dùng nước này chuyển từ xu hướng mua sắm nhiều hàng hóa trong thời gian đại dịch sang chi nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn nhà hàng khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Hai quý đầu năm GDP suy giảm liên tiếp thể hiện một cuộc suy thoái kỹ thuật của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một cuộc suy thoái thật sự phải có sự suy giảm sâu hơn, rộng hơn và kéo dài hơn trong hoạt động kinh tế. Hai quý đầu năm nay, thị trường lao động Mỹ vẫn “nóng”, tiêu dùng gia tăng và đầu tư của doanh nghiệp vẫn mạnh, nên nền kinh tế chưa bị coi là suy thoái. Sang quý III, tình hình thương mại và hàng tồn kho được cải thiện, các vấn đề chuỗi cung ứng dần được gỡ bỏ, thâm hụt thương mại giảm do người tiêu dùng chuyển sang dùng dịch vụ nhiều hơn thay vì mua hàng hóa dẫn tới nhập khẩu giảm.

Thông qua dự luật chi tiêu

Tin vui tiếp nối với người dân Mỹ khi lưỡng viện Quốc hội nước này vừa thông qua dự luật chi tiêu mới của chính phủ trị giá 1.660 tỷ USD, tăng khoảng 160 tỷ so ngân sách năm trước. Dự luật được cho là một trong những thành tựu lập pháp lưỡng đảng của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong hai năm đầu nhiệm kỳ. Ngày 23/12 vừa qua, với 225 phiếu thuận và 201 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật. Trước đó một ngày, dự luật hơn 4.000 trang cũng vượt “cửa ải” Thượng viện Mỹ với 68 phiếu thuận, trong đó có 18 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 29 phiếu chống. Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu giúp Chính phủ liên bang duy trì hoạt động cho đến ngày 30/9/2023.

Nếu dự thảo ngân sách không được thông qua, Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa một phần từ ngày 24/12 vừa qua, ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh và có thể tiếp tục gián đoạn hoạt động sau khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ ngày 3/1/2023. Dự luật đang được trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn, bao gồm 858 tỷ USD dành cho việc chi tiêu quốc phòng, tăng 9,7% so năm trước và 772,5 tỷ USD cho những chương trình phi quốc phòng, cũng như các khoản 44,9 tỷ USD được sử dụng để viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, 27 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ thảm họa khẩn cấp.

Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ ký thông qua dự luật, ca ngợi đây là bằng chứng cho thấy đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề cho người Mỹ. Giới phân tích nhận định, việc Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu của chính phủ, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương và các gia đình tiếp tục chi tiêu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất tới bảy lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Joe Biden đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế, coi đây là bằng chứng cho thấy tín hiệu tích cực của nền kinh tế “xứ cờ hoa”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiêu dùng, mặc dù chi tiêu cho các loại dịch vụ tăng nhưng có thể thấy mua sắm các hàng hóa giá trị lớn như ô-tô, phụ tùng, cũng như chi tiêu cho thực phẩm ăn uống, lại giảm do các gia đình phải đối mặt giá cả tăng vọt.