Tìm hướng đi chung phát triển cây sâm

Sau hơn 10 năm đưa giống sâm từ núi Ngọc Linh (còn gọi là sâm Ngọc Linh) ra nhiều địa bàn có hệ thống núi cao, có cùng “miền” khí hậu tương tự như như đỉnh núi Ngọc Linh, kết quả, hai tỉnh Lai Châu và Lâm Đồng đã có sản phẩm sâm Ngọc Linh cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển loài sâm quý này lại vướng vào rào cản khác.
Vườn ươm sâm Ngọc Linh.
Vườn ươm sâm Ngọc Linh.

“Khư khư giữ miếng”

Gần đây, tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét ban hành “Luật Sâm Việt Nam”. Mục tiêu của đề xuất này là tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, loại dược liệu quý hiếm được xem như "quốc bảo" của Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu có cần một bộ luật riêng cho cây sâm hay không.

Tỉnh Quảng Nam cho rằng, dù sâm Ngọc Linh đã và đang phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp, vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Việc phát triển vùng trồng sâm đang gặp nhiều trở ngại do thiếu các quy định cụ thể về việc phân biệt sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm nuôi trồng nhân tạo. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng, ảnh hưởng tới kế hoạch xuất khẩu và phát triển sản phẩm.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa để tạo ra giá trị kinh tế lớn cho cây sâm. Khi có luật riêng, các ngành, cơ quan và người dân sẽ có động lực chung tay xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam đạt tầm cỡ quốc tế, ngang hàng với các sản phẩm sâm của Hàn Quốc.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị một số giải pháp bổ sung như đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư lớn và tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch liên quan đến sâm Việt Nam.

“Luật Sâm Việt Nam” nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương với hàm ý rằng, sâm Ngọc Linh trồng trên dãy núi Ngọc Linh mới là sản phẩm “chuẩn”. Còn sâm Ngọc Linh đưa giống đi trồng ở những địa bàn khác cần phải cho nó một tên gọi khác chứ không được đánh đồng với sâm Ngọc Linh.

Về đề xuất "Luật Sâm Việt Nam”, anh Phùng Tấn Toàn, chủ cơ sở nuôi ong mật ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), cho biết: “Chuyện Luật Sâm này giống như chuyện người bán mật ong trôi nổi và cứ quảng cáo là mật ong rừng tốt hơn mật ong nuôi. Chúng tôi không tranh cãi, nhưng mật ong nào cũng từ con ong kiếm mật từ hoa về. Đã là sâm Ngọc Linh thì trồng ở đâu, chỗ đó cũng phải đạt được thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây mới sống và sinh trưởng”.

“Đó là tư tưởng khư khư giữ miếng, xưa rồi”, ông Võ Hoàng Huy, người nuôi chim yến đầu tiên ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), buông lời. Ông Huy giải thích: “Bàn cãi về sâm Ngọc Linh hôm nay thì cũng giống như bàn cãi về yến sào năm xưa. Trước đây, khi tôi nuôi chim yến, người quê tôi ở Khánh Hòa cho rằng, chim yến phải sống hoang dã, phải làm tổ trên vách núi thì tổ yến mới bảo đảm chất bổ dưỡng, chứ nuôi nhân tạo thì làm mất đi nhiều phẩm chất của tổ yến. Nhưng rồi yến tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường, các công ty xuất khẩu đã tìm đến nguồn cung là chúng tôi”.

Cần liên kết chuỗi giá trị

Tại tọa đàm phát triển sâm Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức (ngày 15/8/2024), nêu vấn đề về việc xây dựng thương hiệu cho sâm Việt Nam, có ý kiến cho rằng, khi nhắc đến sâm quý ở Việt Nam, người ta thường nghĩ đến sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, hiện nay còn có sâm Lai Châu, sâm Langbiang (Lâm Đồng). Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta nên xây dựng thương hiệu chung cho sâm Việt Nam hay nên phát triển các thương hiệu riêng biệt như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang?

Ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, đề xuất rằng nên xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam để quảng bá ra quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, nếu chỉ quảng bá riêng rẽ các loại sâm của từng vùng thì sẽ khó xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sâm Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thái Minh, cho rằng, Việt Nam cần học hỏi từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, tập trung xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam. Nếu quảng bá mỗi nơi một giống sâm khác nhau, điều này không chỉ làm mất đi hiệu quả mà còn khó định hình được thương hiệu sâm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cũng ủng hộ việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam. Ông cho rằng, việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, vì Kon Tum và Quảng Nam đã có chỉ dẫn địa lý rõ ràng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để chương trình phát triển sâm bền vững, Việt Nam cần thay đổi tư duy, tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng.

Dù lựa chọn giải pháp nào, mục tiêu chung vẫn là bảo tồn và phát triển bền vững sâm Ngọc Linh, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần phải hợp tác, thống nhất xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ sâm để phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Sâm Ngọc Linh chứa đến 52 loại saponin có tính kháng khuẩn và kháng ung thư, bảo vệ gan, tế bào thần kinh, cải thiện các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho cơ thể. Trong đó có 26 loại Sanopin mới không có trong nhiều loại sâm khác. Như vậy, để biết sâm Ngọc Linh loại 1, loại 2… chỉ cần đưa vào máy kiểm tra là rõ ràng nhất.