Tinh hoa xưa từ góc nhìn khoa học
Trọng tâm dự án chính là chương trình tập huấn, bổ sung và hoàn thiện những kiến thức về âm luật ca trù cho đào kép mới. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, tác giả của công trình khoa học về nghiên cứu âm luật ca trù kỳ vọng mô hình khóa tập huấn sẽ được lan rộng, giúp nghệ thuật ca trù lưu truyền vững chắc thông qua xác định rõ các khái niệm cơ bản cũng như khuôn hình cụ thể của khổ đàn, khổ phách, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại...
Nhạc ca trù (còn gọi là hát Ả đào) từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Trong quá khứ, mọi tinh hoa nghệ thuật ca trù vốn chỉ lưu truyền trong nội bộ các giáo phường, mang nặng tính gia truyền khép kín với phương thức truyền khẩu, truyền ngón nghề trực tiếp. Suốt chiều dài lịch sử, hệ thống âm luật của ca trù chưa được đúc kết, tất cả chỉ được xác định trên cảm nhận thực tế của từng thế hệ đào kép nhà nghề. Điều này lý giải tại sao sau 60 năm vắng bóng trong đời sống xã hội, khi được phục hồi, tình trạng mai một trầm trọng của thể loại ca trù là hệ quả tất yếu.
Thực tế, ca trù là một thể loại nghệ thuật ở tầng bậc cao trong nền âm nhạc dân tộc, không dễ học và cũng không dễ thưởng thức. Khi Việt Nam làm hồ sơ đệ trình UNESCO năm 2005, lúc đó giới đào kép nhà nghề còn lại không nhiều. Các nghệ nhân phần lớn đã tuổi cao sức yếu, thời gian bỏ nghề quá lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển giao thế hệ, dẫn đến thực trạng phần lớn đào kép trẻ hiện nay chỉ được “học mót”, tự học qua băng đĩa... Bởi vậy, hệ giá trị tinh hoa của thể loại này đang mai một theo sự ra đi của lớp nghệ nhân cao tuổi. Những đào kép nhà nghề cuối cùng như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức (riêng cụ Kim Đức hiện nay còn duy trì giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức) đều có nhận định chung rằng, các đào kép trẻ thời nay, đại đa số đàn hát “không có khuôn khổ”, “không có phách”...
Trước thực trạng đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã tập trung đi sâu nghiên cứu hệ âm luật ca trù, còn gọi là lý thuyết âm nhạc ca trù cơ bản để xác định thế nào là khổ phách - khổ đàn, cung bắc - cung nam… Ngoài ra, ông còn tìm hiểu vai trò và giá trị nghệ thuật của các yếu tố này. Nếu như các nghệ nhân cao tuổi như cụ Đẹ, cụ Chúc từng nhận xét lớp đào nương trẻ “không có khuôn khổ”, “không có phách”, vậy diễn tấu như thế nào mới ra “khuôn khổ”, là đủ, là đúng chuẩn mực của cha ông? Trải qua hơn sáu năm nghiên cứu, những kiến thức về hệ âm luật ca trù quý giá, hóc hiểm của quá khứ cuối cùng cũng đã được đưa ra bằng góc nhìn khoa học.
Từ năm 2017, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng dự án (DA) “Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại TP Hà Nội” với mục tiêu lý thuyết ứng dụng hóa việc giảng dạy ca trù. Những người thực hiện DA lấy nhóm Ca trù Phú Thị bao gồm các đào kép, quan viên trẻ làm đối tượng, dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm việc học âm luật. Xưa kia, đào kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp trực tiếp. Còn hiện tại, các chi tiết, thành tố âm nhạc từ toàn bộ đến từng phần đều được đúc kết, lý thuyết hóa để giúp đào kép hình thành sự cảm nhận nghệ thuật với ý thức chủ động.
Sau thành công của DA trên, tới năm 2019, NSƯT Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB ca trù TP Hải Phòng cùng các ca nương trẻ đã lên Hà Nội chính thức đề nghị lãnh đạo viện, tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xây dựng một DA giúp CLB hiệu chỉnh lại toàn bộ âm luật cũng như hệ thống bài bản cho các thành viên. “DA lần này tiếp tục do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về âm nhạc truyền thống thực hiện. Bởi vậy, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam hy vọng rằng, DA tại Hải Phòng sẽ tiên phong lan tỏa thí dụ tốt để các địa phương khác, đơn vị ca trù khác tham khảo. Nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là bảo tồn đúng cách, đúng giá trị của ca trù mà tiền nhân đã truyền lại”, Viện trưởng, PGS, TS Bùi Hoài Sơn kỳ vọng.
Độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam
So DA năm 2017, chương trình “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng” có một số điểm bổ sung và hoàn thiện hơn. Đặc biệt như việc lấy thêm khuôn thước, ngón nghề của ba đào kép danh tiếng thế kỷ 20 là Nguyễn Thị Phúc, Quách Thị Hồ và Đinh Khắc Ban làm chuẩn mực cho việc hiệu chỉnh nghệ thuật. Chia sẻ với phóng viên Thời Nay, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phân tích: “Mục đích lớn nhất sau sáu năm nghiên cứu là đưa âm luật ca trù bí truyền trong quá khứ ra ánh sáng khoa học. Nhờ đó, các đào kép và khán thính giả có thể hiểu được ca trù sâu sắc hơn. Tôi đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu, tổng hợp những kiến thức thu được từ các đào kép nhà nghề cuối cùng là cụ Đẹ, cụ Chúc và cụ Kim Đức. Sau đó là quá trình đào sâu, so sánh những tư liệu cũ mà mình có thể sưu tầm được, như các bản thu âm đĩa năm 1930 của đào nương Khâm Thiên (Hà Nội), hay đĩa ghi âm của nghệ nhân ca trù Chu Thị Năm… Trước hết, tôi phát hiện ra ca trù là thể loại nhạc cổ xưa nhưng lại vô cùng tinh vi với cấu trúc lắp ghép độc nhất vô nhị, có lẽ không chỉ trong âm nhạc Việt Nam mà còn trên thế giới. Các khổ đàn, khổ phách là “mô hình” xác định và lắp ghép những mô hình này theo sơ đồ khác nhau sẽ thành những bài bản đa dạng. Thứ hai, có thể khẳng định ca trù là thể loại có tầng bậc, độ phức tạp rất cao trong nền âm nhạc vì có sự chuyển điệu rất nhiều. So các thể loại âm nhạc dân gian khác, ca trù có nhiều cung điệu nhất và chuyển điệu liên tục”.
Các học viên chính của khóa tập huấn hằng tuần trong vòng hai tháng là các đào kép, quan viên ở nhiều lứa tuổi, trong đó chủ yếu là các đào nương trẻ. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho việc truyền thụ kiến thức, chuyển giao thế hệ ca trù mới theo đúng chuẩn mực cha ông. Ca nương Trịnh Thị Hoài Nam của CLB ca trù Đông Môn chia sẻ: “Tôi thấy chương trình rất bổ ích, cần thiết cho tất cả đào nương và quan viên, kể cả người cũ và mới. Bản thân là một ca nương mới, tôi chưa ngấm quá sâu bất kỳ âm luật nào nên cảm thấy dễ tiếp thu hơn khi tham gia lớp tập huấn này. Lần đầu tiên, chúng tôi may mắn được luyện tập theo khuôn phép, điều chỉnh ngón nghề đúng theo đường hướng của các nghệ nhân xưa chứ không tự mò mẫm như trước. Sau khi học xong, chúng tôi hy vọng có được âm luật, tiếng phách chuẩn nhất, để phục vụ công tác giữ gìn di sản ca trù chính xác, hiệu quả nhất”.
Là một đơn vị đạt nhiều thành tích cao khi tham gia các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, nhưng các ca nương của CLB Hải Phòng vẫn tự nhìn lại năng lực nghệ thuật bản thân để sẵn lòng cầu thị. Hành trình khổ luyện thật sự của họ nhằm hiệu chỉnh lại ngón nghề cho đúng chuẩn mực tiền nhân xưa là nỗ lực vượt khó rất đáng trân trọng và lan tỏa.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Thông qua giảng dạy âm luật, các đào kép trẻ, quan viên sẽ hiểu về âm luật, khổ đàn khổ phách, cung bậc, chuyển điệu… Từ đó, họ có thể học lại các bài hát trong băng của các nghệ nhân cao tuổi, phân tích và vẽ sơ đồ sáng tỏ các bài hát cổ khác chứ không ước lượng, cảm tính như không ít trường hợp hiện nay”.