Tìm giải pháp xuất khẩu nông sản bền vững

Việt Nam đang vào mùa cao điểm thu hoạch các loại trái cây như sầu riêng, xoài... nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Đâu là giải pháp căn cơ giải bài toán ách tắc nông sản đã kéo dài nhiều năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Hải quan Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu vải tươi. Ảnh: HỒNG VÂN
Hải quan Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu vải tươi. Ảnh: HỒNG VÂN

Mới đầu mùa đã căng thẳng

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đến 20 giờ ngày 28/5, tổng số hàng hóa còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 898 xe, gồm 538 xe hoa quả, 61 xe hàng khác, 299 xe hàng ngoài khu vực cửa khẩu chưa đăng ký mặt hàng, tăng 73 xe so với ngày 27/5.

Số phương tiện tồn đọng trên chủ yếu tập trung tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với 709 xe, trong đó 410 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị (gồm 373 xe hàng hoa quả; 37 xe hàng khác), 299 xe tại Khu phi thuế quan. Cửa khẩu phụ Tân Thanh tồn 177 xe (gồm 165 xe hàng hoa quả và 12 xe hàng khác).

Trong ngày, tổng số phương tiện xuất, nhập khẩu thông quan là 986 xe, trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là 524 xe (gồm 434 xe hoa quả, 90 xe hàng khác). Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất khẩu 290 xe (gồm 223 xe mặt hàng hoa quả, 67 xe mặt hàng khác). Số phương tiện xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Tân Thanh 228 xe, gồm 211 xe mặt hàng hoa quả (trong đó có ba xe quả vải tươi, 35 xe sầu riêng), 17 xe mặt hàng khác.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết: Công tác thông quan, xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu qua Lạng Sơn vẫn diễn ra thuận lợi, năng lực thông quan được duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số lượng phương tiện có nhu cầu xuất khẩu tăng đột biến.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã chủ động hội đàm, đề nghị phía bạn tối ưu hóa thủ tục, nâng cao năng lực thông quan; bố trí lực lượng làm thêm giờ để giảm ùn tắc tại cửa khẩu.

Đặc biệt, từ trước đến nay, mặt hàng sầu riêng chỉ được phép xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tuy nhiên, trước việc mặt hàng trái cây này đang vào thời điểm chính vụ tiêu thụ, số lượng xe dồn lên cửa khẩu tăng đột biến nên Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã đề xuất phương án xuất khẩu song song tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh. Đề xuất này đã được phía bạn đồng ý, triển khai thực hiện gần một tuần nay, bước đầu cho hiệu quả tích cực.

Ngày 30/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã làm việc với tỉnh Quảng Tây và Cục Hải quan Nam Ninh của Trung Quốc về vấn đề thông quan hàng hóa.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ: “Tỉnh Quảng Tây là cửa ngõ từ Việt Nam vào Trung Quốc, chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa quan hệ truyền thống. Chúng tôi đánh giá rất cao thành tựu nông, lâm nghiệp Quảng Tây. Các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam có thế mạnh về gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, do đó việc hợp tác giữa hai bên là rất cần thiết”.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, bốn tháng đầu năm nay, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu 2,49 tỷ nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.

Để nâng cao hơn nữa hợp tác giữa hai bên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có sự giám sát của cơ quan chức năng, hạn chế thấp nhất khâu trung gian gây tăng giá thành. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần phối hợp với Bộ Công thương để xây dựng chuỗi cung ứng, khu thương mại như đề xuất của phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề xuất mở thêm hội chợ riêng cho các tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây. “Bộ NN&PTNT sẽ đứng ra cùng các tỉnh biên giới, phối hợp với phía Quảng Tây, luân phiên tổ chức thường niên giữa hai bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng, phục vụ xuất nhập khẩu”, ông Nam nói.

Tìm giải pháp xuất khẩu nông sản bền vững ảnh 1

Tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn hiện còn nhiều xe hàng chờ xuất khẩu. Ảnh: VIẾT NIỆM

Cần thí điểm cửa khẩu thông minh

Hiện, Việt Nam đang vào mùa cao điểm thu hoạch các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Theo ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc), Hải quan Nam Ninh sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên, trong đó có hợp tác với Bộ NN&PTNT Việt Nam. Đối với thương mại nông sản, vấn đề kiểm dịch và đẩy nhanh quá trình thông quan là vấn đề Hải quan Nam Ninh rất coi trọng.

Theo ông, thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong khi đó Quảng Tây vốn là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc, bởi vậy, để bảo đảm thông quan qua các cửa khẩu, phía Trung Quốc đưa ra ba kiến nghị:

Thứ nhất, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn, thí dụ như chuyến công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam đến Quảng Tây lần này. Thứ hai là tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Hiện nay, phía Trung Quốc đã đề xuất thiết lập hệ thống Hải quan thông minh còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống Cửa khẩu số, rất tương đồng về quan điểm. Thứ ba là tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại nông sản nói riêng và thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam - Trung Quốc nói chung. “Trong đó, tiềm năng phát triển hợp tác trong thương mại nông sản giữa hai nước là rất lớn”, ông Vương Vị Băng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi. “Có một số vấn đề chúng ta cần bàn luận trực tiếp, thí dụ như các tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu hàng nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát lượng hàng hóa và thứ ba là các chính sách để hai bên cùng phối hợp điều hành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề.

Liên quan vấn đề cửa khẩu số, hải quan thông minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương. Tuy nhiên, ông đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể, vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ NN&PTNT. “Tôi cho rằng cả thế giới đều đang hướng đến mục tiêu hiện đại, thông minh và bền vững nên chúng ta cũng nên sớm xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh”, ông Nam nói.

Quảng Tây có biên giới giáp bốn tỉnh của Việt Nam với chín cặp cửa khẩu, nhưng chỉ sáu trong số đó được xuất nhập khẩu rau quả, Thứ trưởng Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau quả lên toàn bộ chín cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, bớt chi phí.