Tìm biện pháp hỗ trợ Damascus
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan, giải pháp chính trị sẽ góp phần vào việc hồi hương tự nguyện và an toàn của những người tị nạn, cũng như việc các lực lượng nước ngoài bất hợp pháp rút khỏi Syria, khôi phục an ninh và sự ổn định của quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố cho biết, ngoài cuộc thảo luận trên, một loạt cuộc họp sẽ được tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, phù hợp Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Đây là cuộc họp đầu tiên giữa chính quyền Syria và các nước Arab kể từ khi các bên quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong Liên đoàn Arab (AL) năm 2011. Jordan kêu gọi Syria tham gia với các quốc gia Arab trên lộ trình từng bước, nhằm chấm dứt xung đột, giải quyết các vấn đề về người tị nạn, người bị tạm giữ, buôn lậu ma túy... vốn đang ảnh hưởng các nước láng giềng. Đây là một phần trong tiến trình tìm ra giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ tại Syria.
Tại cuộc thảo luận nêu trên, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab cũng nhất trí tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế và LHQ để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phục hồi sớm, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện sống cho những người tị nạn Syria mong muốn trở về quê hương. Bên cạnh đó, các nước nhất trí hỗ trợ Syria kiểm soát hợp pháp các vùng lãnh thổ, áp đặt pháp trị, chấm dứt sự hiện diện của các nhóm vũ trang và khủng bố, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của nước này. Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Syria nhất trí hợp tác với Jordan và Iraq để giúp xác định các nguồn sản xuất và buôn bán ma túy tại quốc gia Trung Đông này, cũng như ở biên giới giữa Syria với Jordan và Iraq.
Các nước tăng cường hợp tác
Trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh các nỗ lực chấm dứt khủng hoảng ở Syria, nhiều quốc gia khôi phục và tăng cường hợp tác với quốc gia Trung Đông này. Cuối tháng 4, Bộ trưởng Phát triển đô thị và đường bộ Iran Mehrdad Bazrpash thăm Syria nhằm cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Theo Bộ trưởng Bazrpash, hai bên cũng đạt thỏa thuận hợp tác trong một loạt lĩnh vực như du lịch, vận tải hàng không, hàng hải và đường sắt, ngân hàng, bảo hiểm, văn hóa, giảm thuế quan, đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cũng vừa thăm Tunisia. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị cho cuộc khủng hoảng và khôi phục hoàn toàn chủ quyền của quốc gia này. Phía Tunisia khẳng định ủng hộ khôi phục vai trò của Syria trong AL, nhấn mạnh an ninh và ổn định của Syria là trụ cột của toàn bộ khu vực. Hai nước quyết định nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán tại mỗi nước; nhất trí tăng cường liên lạc, phối hợp trong nhiều vấn đề.
Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Faisal Mekdad cũng có chuyến thăm Saudi Arabia lần đầu kể từ khi xung đột ở Syria bùng phát năm 2011. Hai bên nhất trí nối lại các dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay giữa hai nước, tăng cường an ninh và các nỗ lực chống khủng bố. Hai bên trao đổi các bước đi cần thiết nhằm đạt được giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng ở Syria, hướng tới hòa giải dân tộc, góp phần khôi phục vị thế của nước này trong thế giới Arab. Hai nước cũng nhất trí giải quyết các vấn đề nhân đạo và tạo điều kiện thích hợp để hỗ trợ việc tiếp cận tất cả khu vực ở Syria.