Tiếp cận xu hướng mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Báo cáo mới nhất của công ty kiểm toán PwC về “Các xu hướng mới nổi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tác động của chúng đối với Việt Nam” cho thấy một số xu hướng nổi bật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang thúc đẩy ngành y tế phải đổi mới và hành động.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn sử dụng máy đo huyết áp. Ảnh: NG.HẢI
Hướng dẫn sử dụng máy đo huyết áp. Ảnh: NG.HẢI

Nhiều yếu tố tác động

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng tìm đến sự tiện lợi và đơn giản hơn trong việc sử dụng dịch vụ; nhu cầu chuyển từ chăm sóc nội trú sang ngoại trú; sự đổi mới công nghệ; sự gia tăng biến chứng trong các loại bệnh; tỷ lệ mắc một số bệnh cao hơn do lối sống ít vận động; kỳ vọng có một tuổi thọ lâu dài hơn... Những yếu tố này đang tác động đến ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam theo một số hình thức:

Thay đổi về nhân khẩu học: Nhân khẩu học thay đổi thúc đẩy cải cách chăm sóc sức khỏe. Một mô hình mới về sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân đang phát triển để chuyển đổi hoạt động cung cấp và tài chính chăm sóc sức khỏe. Quan hệ đối tác với những bên tham gia thị trường mới từ các lĩnh vực bán lẻ, công nghệ (trí tuệ nhân tạo, robot, tư vấn từ xa, phân tích); chăm sóc sức khỏe và thể chất (tức là các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phi y tế/phi truyền thống) đang mở rộng và định hình lại hệ thốngy tế.

Cạn kiệt nguồn lực: Trước tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, công nghệ trở thành giải pháp tiềm năng của ngành chăm sóc sức khỏe. Một số dịch vụ như theo dõi từ xa, y tế từ xa và thiết bị di động sẽ giúp bác sĩ/nhân viên y tế tiết kiệm thời gian tư vấn trực tiếp và giao tiếp với bệnh nhân, đưa ra quyết định nhanh hơn... Với khả năng mang lại sự đổi mới, cải thiện hiệu quả và các giải pháp độc đáo, khu vực tư nhân đã trở thành một đối tác y tế tiềm năng hấp dẫn.

Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn: Người tiêu dùng (bệnh nhân) ngày càng hiểu rõ và tham gia nhiều hơn vào quá trình chăm sóc sức khỏe của mình. Điều này dẫn đến sự chuyển hướng từ chăm sóc phân tán sang các mô hình tích hợp: Các tổ chức, cộng đồng và nhà cung cấp dịch vụ xã hội phối hợp các dịch vụ của họ và bệnh nhân trở thành đối tác tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của họ.

Tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính: Lối sống thay đổi đang làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch, ung thư...), theo đó làm gia tăng nhu cầu chăm sóc, điều trị. Điều này gây tốn kém hơn và đòi hỏi các mô hình dịch vụ mới. Việc phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm và chính xác đạt được nhiều tiến bộ, giúp giảm chi phí điều trị. Vì lý do này, các giải pháp y tế dự phòng được chú trọng nhiều hơn, mở ra cánh cửa cho các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe phi truyền thống.

Thiếu niềm tin vào mô hình y tế truyền thống: Người tiêu dùng đang tỏ ra thiếu tin tưởng vào các mô hình y tế truyền thống, do một số vấn đề kéo dài và chưa được giải quyết. Thí dụ: quá tải bệnh viện, các vấn đề hành chính, mất tin tưởng vào thuốc/đầu vào/chất lượng chăm sóc... Họ sẵn sàng tìm đến các dịch vụ bên ngoài. Công nghệ mới và sự phát triển của các dịch vụ đang giúp họ thực hiện điều này dễ dàng hơn.

mHealth (dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc thông tin liên quan đến sức khỏe bằng thiết bị di động): Thiết bị di động giúp việc chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận hơn, thông qua các kênh trên mạng bên cạnh việc thăm khám sức khỏe truyền thống. Nó nhanh hơn, rẻ hơn, tiết kiệm thời gian đi lại và xếp hàng. Bệnh nhân có được thông tin về tình trạng sức khỏe dễ dàng hơn và theo dõi được quá trình chăm sóc sức khỏe.

Tiếp cận xu hướng mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ảnh 1

Khám và tư vấn điều trị cho người già mắc các bệnh mãn tính.

Một số khuyến nghị

Các xu hướng nêu trên đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn tại Việt Nam khi dân số già, tầng lớp trung lưu và giàu có mới nổi cùng với gánh nặng bệnh mãn tính ngày càng tăng, phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học và những thay đổi xã hội liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hiện tại, tầng lớp trung lưu và giàu ở Việt Nam đang tăng. Những hộ gia đình có thu nhập hằng năm từ 13.450 USD trở lên dự kiến sẽ chiếm gần 20% dân số vào năm 2024, tăng từ 12% vào năm 2019.

Những nhóm thu nhập khá có nhu cầu về chất lượng khám và điều trị sức khỏe cao hơn, cũng như các dịch vụ tiện lợi, minh bạch và được cá nhân hóa nhiều hơn. Các nhóm này cũng có xu hướng lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe rộng rãi hơn như các trung tâm thể dục, phòng khám tư nhân, trong nước hoặc nước ngoài, thông qua các kênh ngoại tuyến hoặc trên mạng... Điều này mở ra cánh cửa cho những ngành khác, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái y tế đa dạng bên cạnh các cơ sở y tế truyền thống (bệnh viện và phòng khám), với bệnh nhân là cốt lõi.

Với các mô hình chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, quan hệ đối tác và hợp tác đã chuyển từ tùy chọn sang bắt buộc. Có nhiều hình thức hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để các bên liên quan lựa chọn. Trong bối cảnh rộng hơn, việc hợp tác để tạo ra một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe được liên kết nhiều hơn với tất cả các bên liên quan sẽ giúp bảo đảm sự thành công và bền vững trong toàn ngành. Để làm được điều đó, PwC đưa ra ba khuyến nghị sau:

Thứ nhất, bệnh viện phải tăng trưởng hữu cơ và tích hợp theo chiều ngang: Khi bệnh nhân đang tìm kiếm một mô hình chăm sóc tích hợp, các bệnh viện tập trung vào các kỹ thuật truyền thống với các cơ sở riêng biệt chuyên về tiền cấp tính/chăm sóc trước khi nhập viện. Thí dụ: phòng khám có các dịch vụ tư vấn và chẩn đoán, bao gồm cả tư vấn từ xa cũng như các dịch vụ phục vụ cho giai đoạn sau của quá trình điều trị, cung cấp dịch vụ chăm sóc sau cấp tính như nhà dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, dịch vụ chăm sóc tại nhà, chăm sóc sau phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ/cuối đời... Điều này có thể cho phép các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân sớm trong quá trình chăm sóc liên tục và tăng khả năng giữ chân bệnh nhân bằng cách để họ theo dõi được quy trình chăm sóc một cách toàn diện hơn.

Thứ hai, các bệnh viện, công ty công nghệ và Nhà nước có thể hợp tác để chuyển đổi trong việc cung cấp những dịch vụ về trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe từ xa, thực tế ảo và các công nghệ y tế phổ biến. Dịch vụ áp dụng những công nghệ này sẽ mang lại giá trị lớn hơn cho bệnh nhân trong điều kiện các bệnh viện chưa thể chuyển đổi một cách đơn lẻ. Dữ liệu bệnh nhân khi đó cũng được kết nối, chia sẻ và bảo vệ nhiều hơn…

Thứ ba, các bệnh viện địa phương (cả Nhà nước và tư nhân) có thể cân nhắc hợp tác với các bệnh viện nước ngoài, để cùng mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Ngoài ra, người đi trước có thể tận dụng danh tiếng và chuyên môn của người đi sau, đặc biệt là trong các chuyên ngành đang muốn mở rộng. Bệnh viện nước ngoài có thể hưởng lợi bằng cách tận dụng mạng lưới bệnh viện địa phương và nhóm bệnh nhân địa phương. Bệnh viện địa phương cũng có thể tận dụng thương hiệu của bệnh viện nước ngoài để có được sự tin tưởng của bệnh nhân.

Để thực hiện những biện pháp trên, Nhà nước cần tạo điều kiện cho sự hợp tác, bằng cách cập nhật những tiến bộ công nghệ và tạo ra một môi trường pháp lý khuyến khích loại hình hợp tác này.