Tiếng sông

Đời ta luôn gắn bó với sông, bằng cách này hay cách khác, vẫn có một dòng chảy nào đó cứ tuôn vào lòng chúng ta không đoán định.
0:00 / 0:00
0:00
Thuyền bán hàng trên sông. Ảnh: SONG ANH
Thuyền bán hàng trên sông. Ảnh: SONG ANH

Cứ thế, sông vẫn cứ rì rào chảy theo những bước ta đi, bất giác giữa đêm thinh lặng nghe lòng mình trỗi dậy các thanh âm trên sông, tôi tự biết mình thương nhớ tiếng sông cũ phía quê xa…

Ai ghe hàng hông? - Thuở ấy quê tôi chưa có lộ, xe máy là thứ trẻ con chúng tôi chưa từng thấy, mọi giao thương đều diễn ra trên mặt sông trước nhà. Nhiệm vụ của tôi mỗi khi đi học về là ngồi dưới sàn lãng đón ghe hàng, tôi thường mang theo sách để đọc mỗi khi chờ chiếc ghe hàng quen thuộc chạy ngang. Sông quê tấp nập, tiếng máy chạy, tiếng chèo, tiếng rao, tiếng hò… lan theo con nước dập dềnh lênh đênh. Chiếc ghe hàng nằng nặng vì trót chở theo tất cả quãng trời tuổi thơ chúng tôi, từ những bộ quần áo mới mỗi bận giáp Tết, đến sổ sách, viết thước, rồi nước tương, nước mắm, gói đường và cả bánh kẹo nữa. Ngồi dưới sàn lãng thõng chân vào nước, mắt bâng quơ nhìn theo ráng chiều từ từ lặn xuống mặt sông mà nghe lòng mát dịu, cảm giác đó đã ấp ủ tôi bé dại mênh mông đến bạc đầu… Xóm tôi được khoảng mười căn nhà, mỗi khi nghe tiếng máy ghe hàng dừng lại tấp vào bờ, bà con gọi nhau tập trung đến mua. Nhớ nhất là độ giáp Tết, bọn con nít chúng tôi được mẹ dắt xuống ghe hàng, ướm thử mấy bộ quần áo mới trong sự tròng trành của sóng, dù trẻ con cả xóm vẫn rặt một kiểu quần tây xanh và áo sơ-mi trắng nhưng đứa nào cũng nô nức.

Ai hàng bông hông? - Kìa cây bẹo! Cây bẹo được xem là phương thức quảng cáo, chào hàng độc đáo của những chiếc xuồng hàng bông. Người bán sẽ dùng một cây sào dài bằng tre chống trước mũi xuồng và treo lên những mặt hàng mà mình có bán để thay lời rao. Nhờ hình ảnh của cây bẹo trên mỗi chiếc xuồng, người trên bờ dễ dàng nhận biết chiếc xuồng đó bán những loại rau quả gì. Người ta treo cây bẹo vì tiếng rao sẽ vướng tiếng gió, bị lấn át bởi tiếng máy nổ của xuồng ghe cùng tiếng sóng vỗ ì ập trên sông. “Hàng bông” - hai tiếng gọi này làm tôi thắc thỏm nhớ mãi, nhưng khi ấy tôi không hiểu nó có nghĩa là gì, tại sao lại gọi như vậy, đôi khi ngẩn ngơ cắt nghĩa nó trong cái nhớ nhung da diết, tôi nghĩ “hàng bông” là bán những hàng hóa được trổ ra từ bông, thành quả của những sắc hoa và mồ hôi thấm đất của dân quê tôi. Giờ bươn bả, tôi biết “hàng bông” không đơn giản chỉ là bán rau củ, mà nó còn bán những gì có sức sống và khoe sắc như hoa nở rộ trong trí nhớ đầy ắp kỷ niệm của tôi vậy!

Giữa dạt dào sóng nước của quá vãng, thanh âm khiến tôi nhớ nhất vẫn là tiếng hát, câu hò trên sông vắng mỗi trưa buồn. Giọng hò trên sông của các cô gái ám ảnh tôi thời bé dại, để đến hôm nay tôi vẫn mường tượng trong xa xôi lơ đễnh nào đó như sông. Mỗi trưa hè, quê tôi xao xác buồn, dưới là tiếng nước âm thầm, trên bờ là tiếng võng kẽo kẹt và xa xa, các cô đi chợ về chèo xuồng ngang buông lơi câu hò vơi đầy trong mái chèo rạch xuống mặt sông. Nước chao nghiêng giề lục bình theo tà áo bà ba tím thẫm cả đoạn sông và… giọng hò cũng tím:

“Có một loài hoa vừa trôi vừa nở

Có một loài hoa vừa trôi vừa buồn”

Tôi biết, sông chảy vào đời tôi đã mang theo tất cả. Không riêng gì dòng nước dạt dào, mà còn có cả chiếc xuồng ba lá èo ọt phía quê xa, con gió mồ côi lỡ đường xóm vắng và những tiếng rao, giọng ru hời chập chờn thơ mộng… Sông đã đổ vào tôi nguồn cội của mảnh đất quê hương!