Tốc độ chuyển đổi quá chậm
Hằng tháng, anh Nguyễn Văn Mạnh (34 tuổi) ở Long Biên (Hà Nội) đưa mẹ là bà Nguyễn Thị Huyền (75 tuổi) đi khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Khu vực đăng ký chờ khám bệnh lúc nào cũng quá tải. Khoảng 10 giờ sáng, số khám đã ngót nghét 300. Tương tự, tại khu vực chờ lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân đông nghẹt; các cửa nộp viện phí, thanh toán viện phí bảo hiểm y tế (BHYT) xếp hàng dài. Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Mỗi lần tôi đi khám đều mất một ngày, hầu hết sáng khám, chiều lấy kết quả vì quá đông. Nếu triển khai bệnh án điện tử thì sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi và làm các thủ tục của người bệnh”.
Ông Lê Văn Toản (64 tuổi) nhà ở huyện Đông Anh cũng chia sẻ: “Với người cao tuổi, mỗi lần đi khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội lại phải nhờ con cháu đi kèm để mang theo các loại giấy tờ, xét nghiệm ở các lần khám trước, rất bất tiện. Nếu có bệnh án điện tử, gia đình người bệnh sẽ yên tâm được lưu trữ kết quả trên mạng. Khi bác sĩ tái khám đều có sẵn dữ liệu cho bệnh nhân”.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong số bốn cơ sở y tế của Hà Nội chính thức triển khai bệnh án điện tử. Chị Nguyễn Hoài Thu (quận Hai Bà Trưng) đi khám thai 20 tuần tuổi nhận xét: “Cách đây vài năm, khi sinh con đầu lòng, mỗi lần đi khám thai, tôi phải đem theo tất cả các phiếu siêu âm cũ, sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm… Nay bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, tôi không phải đem theo giấy tờ, rất tiện lợi”.
Theo GS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hơn hai năm qua, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết, chỉnh sửa phần mềm để tích hợp các hệ thống như: Hệ thống quản lý bệnh viện; hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm; hệ thống lưu trữ và thu nhận hình ảnh… để triển khai bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh. Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. Việc áp dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian lưu giữ hồ sơ. Đặc biệt, người bệnh không cần phải lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử tại các bệnh viện hiện quá chậm. Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Ngay như Hà Nội, cũng mới có 4/40 bệnh viện triển khai.
Tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến nay, trong số 50 cơ sở y tế thực hiện bệnh án điện tử, khoảng một nửa là tuyến huyện. Trong danh sách
đã triển khai cũng không có nhiều bệnh viện hạng I, đặc biệt chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện (Việt Đức, Bạch Mai, K, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Huế…). Đến nay, mới có hai bệnh viện
trực thuộc Bộ và hai bệnh viện trực thuộc trường đại học triển khai bệnh án điện tử gồm: Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Đa khoa Nông nghiệp, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Theo các bệnh viện, để triển khai bệnh án điện tử, cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực… Trong khi nguồn này rất khó khăn với các bệnh viện tự chủ, vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên nhiều nơi vẫn còn “loay hoay” xoay xở vốn.
Triển khai bệnh án điện tử sẽ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân thuận lợi hơn. Ảnh: TÂM HẰNG |
Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn
Tiện ích thì đã rõ, nhưng theo PGS, TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, mới chỉ có 37/135 bệnh viện hạng I triển khai, đạt 20%, trong đó hầu hết là các bệnh viện địa phương và tư nhân, bệnh viện tuyến trung ương còn rất ít. Ông Tường cũng nhấn mạnh: “Theo Thông tư 46, yêu cầu đặt ra, hết năm 2023 triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện tuyến trung ương là không khả thi”.
Theo ông Tường, đến thời điểm này, nhiều giám đốc bệnh viện vẫn chưa hiểu hết bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy hay không, thậm chí còn chưa biết tới Thông tư 46 của Bộ Y tế. Chính vì điều này mà nhiều bệnh viện còn chậm triển khai.
Thông tư 46 yêu cầu, năm 2023 phải triển khai xong bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện hạng I, mặc dù khó thực hiện được trong năm nay, nhưng không thể chần chừ với những bước đi chậm chạp, mà phải đẩy nhanh quá trình thực hiện. Để làm được điều này, theo Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, cần phải giải quyết được ba vấn đề. Thứ nhất, lãnh đạo các cơ sở y tế phải quan tâm sâu sát đến số hóa, chuyển đổi số y tế. Thứ hai, cần có cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho chuyển đổi số. Thứ ba, cần có phần mềm bệnh án điện tử hoàn thiện, tuy các công ty Việt Nam đã triển khai được các phần mềm này, nhưng nhiều cơ sở y tế còn lúng túng không biết sử dụng phần mềm nào trên thị trường.
Bên cạnh đó, để triển khai được bệnh án điện tử, cần phải có chữ ký số. Ông Tường cũng nhấn mạnh, nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy thì coi như chuyển đổi số thành công đến 70%; 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao…
Trong thời gian tới, để triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở y tế, ông Tường kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, định giá công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế, xác định giá phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh để đẩy mạnh phần mềm PACS trong bệnh viện. Bộ Y tế cần cơ chế khen và xử phạt các bệnh viện không triển khai chuyển đổi số. Nếu thời gian tới khi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những điểm nghẽn trong chuyển đổi số sẽ được tháo gỡ.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5259/BYT-K2ĐT về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; y tế các bộ, ngành; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46 năm 2018 của Bộ Y tế; triển khai y tế từ xa theo quy định tại Thông tư số 49 năm 2017; triển khai đơn thuốc điện tử theo các hướng dẫn đã ban hành.
Về bệnh án điện tử, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên triển khai bệnh án điện tử, hạn tới hết năm nay. Từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh.