Tiềm năng AI trong nông nghiệp

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được quan tâm và đầu tư mạnh trong dòng chảy 4.0 vì các ứng dụng của nó ở mọi lĩnh vực, ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống bơm tưới tự động phục vụ trồng rau tại Đà Lạt. Ảnh: SONG ANH
Hệ thống bơm tưới tự động phục vụ trồng rau tại Đà Lạt. Ảnh: SONG ANH

1/Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách phát triển nông nghiệp thì công nghệ AI đang ngày càng được thúc đẩy và phát triển. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

Nền nông nghiệp hiện đang dần chuyển hướng sang nông nghiệp đa dạng phù hợp lợi thế vùng, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện đại hóa, thương mại hóa, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu thì việc ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm công nghệ cao như máy bay không người lái, dữ liệu lớn… sẽ là một hướng đi đem lại nhiều thành tựu hơn cho ngành.

Trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững, AI giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất và giảm chi phí và giảm những tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, AI có thể giúp cho việc dự báo thời tiết mùa màng trở nên chính xác và kịp thời hơn. Các thuật toán máy tính có thể phân tích các biến số trong dữ liệu thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió hay áp suất khí quyển để phát hiện ra xu hướng và hiện tượng thời tiết trong tương lai. Từ đó người dân có thể dễ dàng lựa chọn thời điểm gieo trồng hoặc có biện pháp bảo vệ hoa màu trước thiên tai.

Đánh giá về vai trò của AI, TS Trần Quý, Viện trưởng Phát triển kinh tế số Việt Nam cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm quá quen thuộc đối với xã hội hiện nay và nó trực tiếp đem lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo có thể tăng cường hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm hay chăn nuôi; nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cho chính những người nông dân đầu tiên”.

AI hiện đang được sử dụng để giám sát sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật trên cây trồng nhanh chóng và chính xác hơn. Từ những dữ liệu cảm biến và hình ảnh thu thập được, trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện những dấu hiệu của bệnh tật dựa trên đặc trưng của cây trồng bình thường đã được cung cấp dữ liệu. Cụ thể, một máy bay được điều khiển bởi AI được thiết lập sẵn có thể bay ở những cánh đồng có diện tích lớn, chụp ảnh, phân tích dữ liệu và phát hiện ra đúng vị trí sâu bệnh đúng nơi và phun thuốc trừ sâu đúng chỗ. Điều này giúp tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng thuốc tồn dư, giữ cho các khu vực cây trồng khác được xanh, sạch.

Hay một hình thức có thể được áp dụng rất nhiều từ các vùng nông thôn cho đến những khu nông nghiệp quy mô lớn là robot tự động. Các mẫu robot gieo hạt và trồng cây, robot thu hoạch, robot phun thuốc trừ sâu và bón phân, robot tưới cây... đang được đưa vào thử nghiệm vừa bảo đảm năng suất, thậm chí là tăng năng suất, giảm chi phí và tiết kiệm sức lao động của con người, bảo vệ môi trường.

2/Hiệu quả là vậy nhưng để ứng dụng có hiệu quả AI trong nông nghiệp thì còn rất nhiều thách thức. Đầu tiên là đến từ phía người dân, đa số là những người lao động chân tay, không có cơ hội tiếp xúc nhiều với công nghệ hiện đại. Vậy nên, người nông dân Việt Nam cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ công nghệ này, đòi hỏi các chương trình huấn luyện bài bản để những người nông dân tiếp cận và làm quen rồi đi đến ứng dụng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần phải giải quyết được nút thắt như nhận thức của người dân, điều hành và vấn đề điều hành các ứng dụng số một cách toàn diện. Đồng thời nâng cao cơ sở hạ tầng và đồng bộ thiết bị để người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.

Một thách thức lớn nữa đó là giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo này thường rất cao. Vậy nên để sử dụng được lâu dài và nâng cao chất lượng đồng thời tiết kiệm thì cần có những xem xét cụ thể về tính phù hợp của từng công nghệ trong sản xuất và quản lý. Đơn cử như một thiết bị bay không người lái phục vụ phun thuốc và tưới nước có chi phí dao động từ 200-600 triệu đồng, một mức giá khá cao so quy mô vừa và nhỏ của các điểm phân bố nông nghiệp ở nước ta.

“Để đạt được những thành tựu trong nông nghiệp nhờ ứng dụng AI như mong muốn cần có sự hợp tác của các bên liên quan, người dân không thể tự làm. Cụ thể là từ các nhà đầu tư, sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp. Việc nghiên cứu, xem xét sẽ tìm ra các ứng dụng AI thích hợp cho từng khu vực và phù hợp điều kiện của nông dân cũng như nhu cầu của thị trường”, TS Trần Quý đề xuất.