Thúc đẩy sáng tạo nội dung số

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa kiến nghị Bộ Tài chính và báo cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đề xuất áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nội dung số.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nội dung số.

Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, tại Việt Nam, thống kê cho thấy có 66,2 triệu người dùng Facebook, 63 triệu người dùng YouTube, 10,3 triệu người dùng Instagram, 49,86 triệu người dùng TikTok, với khoảng hai triệu thuê bao Netflix, cùng với hàng chục nền tảng giải trí trực tuyến khác như Spotify, Apple Music, Amazon Music…

Trước thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ với hàng tỷ người dùng khắp thế giới, nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã nhập cuộc, bắt kịp xu hướng, sản xuất nhiều nội dung có giá trị, gây được tiếng vang. Theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng này lên tới 20 nghìn người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn một triệu người đăng ký) và tám kênh đạt nút kim cương (hơn 10 triệu lượt đăng ký).

Tuy nhiên, do là ngành nghề mới, đặc biệt mặt hàng kinh doanh là nội dung số được phân phối xuyên biên giới cho đối tượng người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, ngành sáng tạo nội dung số và kiếm tiền trên các nền tảng số đã và đang gặp phải một số vướng mắc không nhỏ trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế.

Thời gian qua, nhiều diễn đàn, hội thảo được Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đã thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, người sáng tạo nội dung số với nhiều vấn đề nóng được bàn luận, trao đổi. Từ thực trạng đó, Hội đã tổng hợp và đưa ra các nội dung còn vướng mắc về chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số. Hội kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét áp dụng chính sách thuế đối với các cá nhân/doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế như sau:

- Áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế hai chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu.

- Với các nội dung số sản xuất, kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp). Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế TNCN 1%; với doanh nghiệp VAT là 10% (Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

- Kiến nghị Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao.

Theo TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sáng tạo nội dung số, như tốc độ phổ cập internet, di động nhanh và rộng hơn so nhiều nước trong khu vực. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được Nhà nước quan tâm, có nguồn nhân lực trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Những bất cập, vướng mắc tồn tại trong chính sách thuế nếu được giải quyết sớm và đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy ngành nội dung số Việt Nam đi ra thế giới và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế số của đất nước.