Thúc đẩy sản xuất xanh trong công nghiệp dệt may

Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại khiến cho nhu cầu của ngành công nghiệp dệt may giảm và xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đây là thời điểm để ngành dệt may tìm ra hướng đi mới nhằm mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều hơn các thị trường khó tính. Một trong những hướng đi đó là thúc đẩy sản xuất xanh trong công nghiệp dệt may.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường được các doanh nghiệp giới thiệu. Ảnh: NAM ANH
Sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường được các doanh nghiệp giới thiệu. Ảnh: NAM ANH

Nhiều thách thức cho ngành dệt may

Hiện tại, nhu cầu dệt may toàn cầu được dự đoán sẽ giảm từ 757 tỷ USD xuống còn khoảng 712 tỷ USD và có khả năng rơi xuống mức thấp nhất là 687 tỷ USD. Do kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại, doanh thu xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong nửa đầu năm nay giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 18,6 tỷ USD. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng đáng kể 44,21% trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, với tổng trị giá 6,955 tỷ USD, nhưng xuất khẩu dệt may sang Mỹ đã giảm 27,1% trong 5 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu sang Canada và Liên minh châu Âu (EU) giảm lần lượt 10,9% và 6,2%. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những thị trường trọng điểm, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,751 tỷ USD và 1,339 tỷ USD.

Các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Vào nửa đầu năm, lãi suất cho vay cao từ 9% đến 11% càng làm tăng chi phí sản xuất. Hơn nữa, mức lương trung bình hằng tháng cho công nhân dệt may ở Việt Nam là khoảng 300 USD, cao hơn đáng kể so với ở Bangladesh (95 USD), Campuchia (190 USD) và Ấn Độ (145 USD) khiến doanh nghiệp khó giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Nhập khẩu vào Việt Nam giảm 20,5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, dẫn đến thặng dư thương mại 7,9 tỷ USD, thấp hơn gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cùng kỳ, xuất khẩu sợi của Việt Nam giảm 25,6%, xuống còn 2.063,717 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Về lượng, cả nước xuất khẩu được 832.273 tấn sợi, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 6/2023, xuất khẩu sợi giảm 3,9% xuống 375,666 triệu USD và lượng sợi xuất khẩu cũng giảm 3,9%, xuống 154.004 tấn. Về xuất khẩu sợi, Trung Quốc đã nhận được 50,41% sản lượng của Việt Nam, với tổng trị giá 1,040 tỷ USD. Ấn Độ là một thị trường lớn khác, với các lô hàng đạt 38,359 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 37,5 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 43 tỷ USD. Năm 2021, các mặt hàng xuất khẩu này đạt tổng trị giá 32,750 tỷ USD, tăng 9,9% so với mức xuất khẩu 29,809 tỷ USD của năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu sợi năm 2022 tăng 50,1% lên 5,609 tỷ USD, tăng từ 3,736 tỷ USD năm 2020. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu thị trường đi theo hướng tích cực, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may và sợi trị giá 48 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại cùng áp lực ngày càng lớn trong việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững, đòi hỏi các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nỗ lực và tốn thêm chi phí để bảo đảm các đơn hàng mới. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng, các biện pháp có thể áp dụng là giữ chân công nhân lành nghề, đầu tư nâng cao tay nghề cho người lao động, giữ được tín nhiệm của khách hàng và tối ưu hóa chi phí kinh doanh. Đồng thời, phải nhanh chóng nghiên cứu, áp dụng quy trình sản xuất xanh cho công nghiệp dệt may để tiếp cận được các thị trường “khó tính”.

Sản xuất xanh trong ngành dệt may Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang hướng tới quy trình sản xuất xanh do yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm ngày càng tăng. Các thị trường khó tính nói chung đã đưa ra các tiêu chuẩn cho hàng dệt may nhập khẩu, buộc các nhà sản xuất trong nước phải thay đổi cách thức kinh doanh. Cụ thể, để xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm, tác động đến con người và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ.

Hơn nữa, sản xuất xanh ngày càng trở nên quan trọng bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa bền và lâu dài. Một số thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng dệt may Việt Nam, bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đã có luật điều chỉnh các hoạt động sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Hơn nữa, các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng sản phẩm được đưa vào nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Tất cả những điều này đang thúc đẩy Việt Nam hướng tới sản xuất dệt may thân thiện với môi trường hơn.

Hiện tại, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đi theo những xu hướng, quy trình sản xuất xanh, như sản xuất vải tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, áp dụng quy trình xử lý nước thải tiên tiến và tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững...

Gần đây, Hanosimex và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) đã hợp tác sản xuất hàng dệt may tái chế tại Việt Nam, xử lý xơ tái chế thành sợi, vải và tất cả các mặt hàng do nhà máy Hanosimex sản xuất sẽ được xuất khẩu. Dự đoán, nhu cầu về vải tái chế từ EU sẽ đạt đến con số 4.000 tấn. Để bảo đảm với khách hàng rằng vải đáp ứng các yêu cầu sản xuất và hàm lượng tái chế cụ thể, các doanh nghiệp thường phải có các chứng nhận như Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu (GRS) hoặc Tiêu chuẩn yêu cầu tái chế (RCS). Điều này mang lại sự minh bạch và độ tin cậy cho các loại vải tái chế.

Về năng lượng tái tạo, những khu vực có khả năng khai thác công suất năng lượng mặt trời tốt đặc biệt thích hợp cho ngành công nghiệp dệt may, vốn sử dụng nhiều năng lượng. Cuối tháng 9/2022, nhà máy may mặc Spectre 100% vốn Đan Mạch đã hoàn thành tại An Giang với chi phí 17 triệu USD. Nhà máy được xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và sau đó đã được trao chứng nhận vàng LEED về thiết kế xuất sắc trong quản lý năng lượng và môi trường. Nhà máy đã sử dụng một phần điện mặt trời để cắt giảm lượng khí thải khoảng 1.600 tấn CO2/năm.

Về nước thải, ngành dệt may thường sử dụng một lượng lớn nước và hóa chất trong quá trình sản xuất. Điều này tạo ra nước thải có chứa chất ô nhiễm từ thuốc nhuộm và chất phụ gia. Tuy nhiên, chúng có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng công nghệ và kỹ thuật phù hợp như sử dụng hóa chất để trung hòa hoặc oxy hóa các hợp chất độc hại trong nước thải; sử dụng vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Hiện tại, các quy trình này ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.

Về nguồn nguyên liệu xanh và bền vững. Trong ngành dệt may, đây là điều cần thiết để bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hóa chất và bảo tồn tài nguyên. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam sử dụng nguyên liệu xanh trong sản xuất. Một số công ty đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) kinh doanh của riêng mình để bảo đảm sản xuất các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường, giới thiệu nhiều loại hàng dệt may xanh làm từ hoa sen, cà-phê, bạc hà và tre. Sản xuất những loại vải này thường có tác động môi trường thấp hơn nhiều so với hàng dệt truyền thống.

Cuối cùng, đi theo các xu hướng trên mới chỉ là bề nổi trong quá trình theo đuổi một phương thức sản xuất xanh và bền vững cho ngành dệt may. Để có thể đối mặt những thách thức khi nền kinh tế toàn cầu đi xuống và việc người tiêu dùng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm bền vững, các nhà sản xuất cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá được những ảnh hưởng tiêu cực với lợi nhuận trong ngắn hạn và lợi ích dài hạn khi theo đuổi xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, tránh vấn đề “tẩy xanh thương hiệu”.