Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Những năm gần đây, nhà ở xã hội (NƠXH) là sản phẩm thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và người mua. Nhưng để có thể tháo gỡ những vướng mắc đối với sản phẩm này thì cần phải có những cách tiếp cận mới và quyết liệt hơn trong việc triển khai cơ chế, chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: SONG ANH
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: SONG ANH

Nhiều địa phương vẫn thờ ơ

Trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn NƠXH. Nếu so kết quả đạt được trong năm trước, mục tiêu này thực sự là một thách thức lớn.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm NƠXH (tăng 5.252 ha so với năm 2020). Giai đoạn từ 2021-2023, cả nước có 499 dự án NƠXH được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó có 72 dự án hoàn thành quy mô 38.128 căn, 129 dự án đã khởi công quy mô 114.934 căn, 298 dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH (như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án; Bắc Giang 5 dự án; Hải Phòng 7 dự án; Bình Dương 7 dự án; Đồng Nai 8 dự án; Thanh Hóa 9 dự án...).

Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm, dù người dân có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế (Hà Nội có 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Thành phố Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...). Một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH trực tuyến vừa diễn ra hôm 16/3, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, hiện nhu cầu thị trường nhà ở căn hộ rất sôi động. Nếu phát triển được NƠXH trong giai đoạn này thì có tác động rất lớn, lan tỏa đến sự bình ổn, cân bằng thị trường bất động sản. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, nếu thúc đẩy phát triển mạnh NƠXH sẽ tạo ra sự lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển NƠXH đó là giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp hay giải quyết nhu cầu sở hữu nhà cho người thu nhập thấp, đồng thời quan tâm đến việc phát triển NƠXH cho thuê”, TS Cường đề nghị.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh dẫn số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong khoảng 3 triệu người nhập cư, công nhân lao động có 60% là có nhu cầu thuê nhà để ở, bởi họ chỉ muốn làm việc ở thành phố. Khi Nhà nước chưa giải quyết được vấn đề nhà ở, như KTX sinh viên hoặc nhà cho công nhân thì Thành phố Hồ Chí Minh đã có 60.470 cá nhân, hộ gia đình xây dựng các khu nhà trọ cho thuê.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng số căn phòng cho thuê là 560.219, trong đó có 38 nghìn khu nhà trọ tập trung, còn hộ gia đình tách phòng cho thuê thêm khoảng 25.670 nhà đã làm. Điều này giải quyết khoảng 1,4 triệu người thuê. Một vấn đề chưa hợp lý là hiện nay người cho thuê đang phải chịu thuế khoán 7%, nếu giảm xuống 5% đồng nghĩa giảm tiền thuê nhà cho công nhân lao động.

Cần cách tiếp cận mới

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác phát triển NƠXH vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra và còn một số hạn chế. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng phải coi công tác phát triển NƠXH giống như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán. NƠXH ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

“Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần là “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện NƠXH đã “ách tắc từ” nhiều năm. Theo ông Thiên, để có cách tiếp cận mới, có giải pháp mới, điều đầu tiên phải làm rõ các khái niệm cơ bản. Hiện nay khái niệm nhà ở thương mại và NƠXH không rõ ràng. Chức năng của khái niệm này một bên là cung cấp nơi ở, một bên nhà ở thương mại cung cấp quyền sở hữu tài sản. Hai khái niệm này khác nhau, cần phải làm rõ, nếu không chúng ta lẫn lộn nhà ở thương mại, NƠXH, cơ chế, chính sách.

Hiện nay vị trí xây NƠXH khá xa so với trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, phương tiện đi lại không có, mất thời gian di chuyển nên người dân không muốn đi xa. “Người ta sẵn sàng thuê nhà với giá cao hơn, chật hơn nhưng gần chỗ làm việc, gần nơi con cái học hành và những dịch vụ vượt trội khác. Vì vậy cần quy hoạch những vị trí gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê”, TS Hoàng Văn Cường đề xuất.