Ngày 1-8, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia, Zohrab Mnatsakanyan cho biết, ông hy vọng sẽ có cuộc gặp với tân Bộ trưởng Ngoại giao của Azerbaijan, Jeyhun Bayramov để giải quyết bất đồng liên quan vấn đề Nagorno-Karabakh.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình ở biên giới giữa hai nước trở nên căng thẳng từ ngày 12-7 vừa qua. Hai bên cáo buộc các cuộc tiến công của phía bên kia là nguyên nhân gây căng thẳng. Đã có thương vong từ cả hai phía. Tình hình cơ bản đã được cải thiện từ ngày 17-7, nhưng các bên thường xuyên ghi nhận các vụ nổ súng ở khu vực biên giới và ở Nagorno - Karabakh, đồng thời cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Armenia và Azerbaijan đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tranh chấp Nagorno - Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, nhưng lại có phần lớn dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Ngày 30-7, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo đã ghi nhận 42 lần quân đội Armenia tiến công vào các vị trí của binh sĩ Azerbaijan trong khu vực đường phân định ở Nagorno - Karabakh, cũng như trên biên giới giữa hai nước trong ngày qua. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, lực lượng vũ trang Azerbaijan đã vi phạm lệnh ngừng bắn 15 lần ở khu vực biên giới hai nước, nổ súng vào các vị trí của quân đội Armenia.
LHQ, Nga, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã kêu gọi hai quốc gia vùng Caucasus ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành hòa đàm để giải quyết bất đồng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Nga thảo luận về tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Moscow bày tỏ lo ngại về tình hình đụng độ leo thang, cho rằng các bên xung đột cần bảo đảm thực thi lệnh ngừng bắn, đồng thời khẳng định sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, kêu gọi Azerbaijan và Armenia có hành động giảm căng thẳng, nhanh chóng quay lại đối thoại nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột lâu dài liên quan khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh.