Thúc đẩy chuyển đổi số

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Business based on Digital Platform - Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi số là hướng đi mà các doanh nghiệp không thể chần chừ. Trong đó, việc thay đổi tư duy và tạo điều kiện cho đội ngũ nhân lực sớm thích nghi với yêu cầu mới cần được quan tâm hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ.

Kinh doanh trên nền tảng công nghệ được hiểu là một không gian ảo, cho phép những người dùng có thể trao đổi các sản phẩm có giá trị với nhau. Ngay khi xuất hiện, công nghệ kỹ thuật số đã phá vỡ đáng kể các mô hình kinh doanh truyền thống. Trên thế giới, những nền tảng sáng tạo lớn như Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 1.238 tỷ USD. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và XiaoMi có giá lên đến hơn 2.000 tỷ USD.

Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh đều gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Thế nhưng đây lại là giai đoạn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ. Riêng lĩnh vực công nghệ giáo dục, chỉ hai năm đại dịch bùng phát đã ghi nhận bước tăng trưởng nhảy vọt ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. Từ năm 2020 đến nay, thị trường công nghệ giáo dục trong nước đã có thêm 200 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm cho lĩnh vực này lên hơn 700.

Các tham luận và phần trao đổi tại hội thảo “Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số” cũng phân tích rõ những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại và đưa ra các định hướng cần thiết cho doanh nghiệp trong nước. Trong đó, tập trung vào sáu vấn đề: Các nền tảng công nghệ và phát triển công nghệ; Phát triển kinh tế và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số; Kinh doanh các lĩnh vực trong thời đại số hóa; Vai trò quản lý của nhà nước trong phát triển kinh tế số; Yêu cầu nguồn nhân lực cho kinh doanh trên nền tảng công nghệ; Xu hướng phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh kinh tế số.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của các đơn vị, tổ chức. Do đó, cùng với việc thúc đẩy khoa học - công nghệ, cần có cơ chế đi kèm để thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động. Chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ tạo ra lực lượng dôi dư tạm thời và một lực lượng không nhỏ những người lao động chưa thể đáp ứng nhu cầu. Cơ chế chính sách cần bài toán tài chính kèm theo, tạo môi trường tốt cho các nhân tố tích cực phát triển thay vì giữ nguyên cách làm cũ, dễ dẫn đến sự cào bằng. Kèm theo chính sách đãi ngộ là các chỉ tiêu cụ thể, tạo động lực để người lao động chủ động thay đổi, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của môi trường làm việc số.

Các chuyên gia còn cho rằng, tùy theo điều kiện thực tế, các doanh nghiệp cần chọn ra một lộ trình chuyển đổi số “vừa tầm” thay vì làm theo kinh nghiệm từ mô hình thành công trên thị trường. Chuyển đổi số không nên và không thể diễn ra theo trào lưu mà để đạt được kết quả như mong muốn, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ của cả tập thể. Một chuyên gia gợi ý: “Trước tiên, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số của mình. Tiếp đó, phải hiểu được chiến lược chuyển đổi số rồi mới lựa chọn các công cụ phù hợp”.