Thúc đẩy chuyển đổi số ngành giao thông vận tải

Việc áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc, quản trị tối ưu hơn và giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp vận tải đang nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây. Trong đó, áp dụng vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử giúp doanh nghiệp giảm bớt rất nhiều công đoạn, chi phí hoạt động, đồng thời tránh những sai sót trong quá trình vận hành, quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Áp dụng công nghệ số sẽ góp phần thay đổi căn bản ngành giao thông vận tải. Ảnh: SONG ANH
Áp dụng công nghệ số sẽ góp phần thay đổi căn bản ngành giao thông vận tải. Ảnh: SONG ANH

Không ngừng đổi mới

Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, trong đó có vận tải hành khách bằng xe khách đã và đang được nhiều doanh nghiệp vận tải lớn áp dụng. Thực tiễn triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe khách đã mang lại những kết quả thiết thực, phù hợp với nhu cầu phát triển mới của xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho doanh nghiệp và người dân.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 17/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020 ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô-tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 17 là việc Bộ GTVT cho phép các doanh nghiệp vận tải, bến xe bên cạnh việc dùng lệnh vận chuyển bằng giấy thông thường sẽ được phép dùng thêm lệnh vận chuyển điện tử. Theo đó, lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định. Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình một trong hai loại lệnh vận chuyển này khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Như vậy, lệnh vận chuyển điện tử có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bến xe. Trong đó, việc kiểm tra sẽ có hiệu quả hơn vì việc thanh tra, kiểm tra, quản lý nội dung này dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đây, khi sử dụng lệnh vận chuyển giấy, tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, bị rơi hay thậm chí sử dụng lệnh vận chuyển giả xảy ra rất nhiều. Nhưng giờ ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển giả rất khó thực hiện, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện tại vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng hai hình thức. Với lệnh vận chuyển điện tử, doanh nghiệp tự khai báo trên hệ thống, từ biển số, họ tên lái xe, hành trình, tuyến đi… doanh nghiệp bến xe sẽ nhận được các thông tin và thông tin này cũng lên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó, bến xe sẽ cho xe khởi trình. Theo bà Hiền, để tăng cường quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, các Sở GTVT cần có các ứng dụng mạnh mẽ nhất, bước tiến tốt trong công nghệ thông tin để hướng tới triển khai 100%, dần dần bỏ hẳn lệnh giấy. Song, nhiều nơi cũng có thể thực hiện theo lộ trình, tùy vào năng lực doanh nghiệp, địa phương, bởi “Chính phủ số” là mục tiêu nhưng còn cần điều kiện về “‘công dân số” nữa mới có thể hoàn thành công cuộc chuyển đổi số, bà Hiền cho biết.

Cần sự đồng bộ, thống nhất

Trong giai đoạn hiện nay, ngành GTVT và logistics đã có nhiều sự thay đổi trong ứng dụng khoa học-công nghệ nhưng có vẻ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thí dụ, như việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) khởi động từ cuối tháng 11/2014 nhưng đến 1/8/2022 mới triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, gần một tháng qua, ở hầu khắp các trạm BOT vẫn phải bố trí một làn xử lý sự cố, kiêm thu tiền thủ công. Không những vậy, các xe đã dán thẻ cũng gặp không ít rắc rối. Mới đây nhất, hai nhà cung cấp dịch vụ ETC là VETC và VDTC không tìm được tiếng nói chung về sự việc một xe nhưng có hai thẻ, hai tài khoản khác nhau, hay sự việc xe đỗ ở nhà nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản… Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với hai doanh nghiệp này để hợp tác, phân loại lỗi thẻ, không gây khó dễ, phiền toái cho người dùng khi họ muốn chuyển đổi dịch vụ từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác. Như vậy, có thể thấy, dù đã ứng dụng khoa học-công nghệ nhưng nếu không có sự hợp tác, liên kết, đồng bộ hệ thống dữ liệu khách hàng sẽ rất dễ xảy ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu phí không dừng, và đây có thể xem như hệ quả của sự quản lý, giám sát, quy hoạch chuyển đổi số chưa đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, phần lớn các doanh nghiệp đồng thuận với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực như bán vé, kết nối với cơ quan thuế, bến xe… “Về việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp từ trung bình trở lên rất đón nhận nhưng các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn, vào cuộc chậm. Tuy nhiên, kể cả trường hợp các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng công nghệ thì hiệu quả có tốt hay không còn phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan và đơn vị quản lý nhà nước. Chúng tôi mong cơ quan quản lý nhà nước có những chỉ đạo cụ thể để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất”, ông Quyền nói.

Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng phần mềm quản lý vận tải đối với hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe bus, taxi qua hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải. Việc áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số được nhìn nhận sẽ thay đổi căn bản phương thức quản lý và tạo cơ hội đột phá cho ngành GTVT, giúp hiện thực hóa các chương trình hiện đại hóa ngành để đạt được những mục tiêu chiến lược theo kế hoạch. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng công nghệ mà thiếu tư duy sáng tạo, không tận dụng những ưu thế, hiệu quả đạt được để đem lại nhiều giá trị hơn thì sẽ là sự lãng phí rất lớn đối với hoạt động chuyển đổi số của ngành GTVT nói riêng và dữ liệu số quốc gia nói chung.