Thiếu hụt lao động
Tháng 3/2020, khi đại dịch khiến các quốc gia châu Âu phải đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp phong tỏa, nhiều ngành nghề lâm vào cảnh khó khăn, trong đó có du lịch. Hai năm tiếp theo, ngành công nghiệp không khói vẫn chịu tình trạng bấp bênh giữa các lần mở và đóng cửa biên giới. Theo báo cáo của Liên đoàn Du lịch Bỉ (BTC), năm 2019, nước này có 1.666 công ty du lịch. Chỉ ba năm sau, con số này giảm xuống còn 1.542 công ty thuộc 1.005 thương hiệu, tức giảm 7,4%. Giám đốc điều hành BTC Anne-Sophie Snyers cho biết, sự sụt giảm mạnh hơn khi ngày càng nhiều khách hàng đặt chỗ trực tiếp trên internet. Trên thực tế, năm 2000, Bỉ có hơn 2.000 hãng du lịch, con số này là 1.850 năm 2010. Mức giảm trung bình hằng năm vào khoảng 1-1,5%.
Liên quan việc làm, kết quả cũng đi theo hướng tương tự. Theo bà Anne-Sophie Snyers, trước năm 2020, số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê Bỉ (Stabel) cho thấy, có 7.500 nhân viên và 2.500 cộng tác viên làm việc cho các công ty du lịch và lữ hành, bao gồm cả các nhà điều hành xe du lịch. Đến cuối năm 2022, con số này chỉ còn 6.500 người, giảm 35%. Trong khi đó, năm 2020 có hơn 50% nhân viên xin nghỉ việc vì lý do kinh tế, với khoảng 30% số người rời khỏi ngành trong thời điểm khó khăn.
Trong khi đó, nền kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit đang thiếu hụt 330.000 lao động do nước này không còn là thành viên khu vực đi lại tự do Schengen, nên cũng mất luôn nguồn lao động tới từ các nước Liên minh châu Âu (EU). Đây là kết quả nghiên cứu do hai tổ chức “Nước Anh trong một châu Âu thay đổi” và “Trung tâm cải cách châu Âu” thực hiện. Theo nghiên cứu, việc chấm dứt đi lại tự do đang hạn chế nền kinh tế Anh và góp phần đáng kể gây ra tình trạng thiếu lao động ở nước này. Một số ngành nghề có mức lương thấp, như vận tải và kho bãi, bị ảnh hưởng nhiều hơn với lượng lao động thiếu hụt lên tới 128.000 người, tương đương 8% tổng số lao động trong ngành này.
GS kinh tế và chính sách công thuộc Trường King’s College (London) Jonathan Portes, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, tác động lâu dài của sự thay đổi trong mô hình di cư đối với thị trường lao động của Anh sẽ rất sâu sắc. Sau khi rời khỏi EU, Anh đã chuyển sang hệ thống nhập cư dựa trên điểm số, theo đó những lao động lành nghề có thu nhập hơn 25.600 bảng/năm hoặc 10,1 bảng/giờ sẽ được cấp thị thực làm việc. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng cơ chế này không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động đến từ EU.
Malaysia thiếu nhân công trầm trọng làm việc tại các đồn điền. Ảnh: BENAR NEWS |
Thị trường lao động khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Xứ cờ hoa tiếp tục giảm cho thấy triển vọng về một thị trường lao động khởi sắc. Theo báo cáo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến ngày 11/2 đã giảm 1.000, xuống mức 194.000 đơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở mức thấp, bất chấp các vụ sa thải hàng loạt nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thời gian qua. Số người nhận trợ cấp sau một tuần nộp đơn, một chỉ số cho thấy tình trạng tuyển dụng, tăng 16.000 lên mức 1,696 triệu người trong tuần tính đến ngày 4/2.
Trong khi đó, Malaysia dự kiến tuyển dụng 500.000 lao động nước ngoài trong năm 2023 nhằm bổ sung nguồn nhân lực trong nước đang trong tình trạng thiếu hụt, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia V.Sivakumar cho biết, người lao động đến từ 15 quốc gia châu Á sẽ được tuyển dụng vào làm trong các lĩnh vực mà công nhân địa phương không quan tâm và không thể tuyển dụng như làm việc tại đồn điền, nông nghiệp và xây dựng. Ông cho rằng, nhu cầu của Malaysia đối với lao động nước ngoài trong những ngành này là rất lớn, do vậy, nếu không được cung cấp đầy đủ lao động, hoạt động của các ngành sẽ bị gián đoạn, gây thua lỗ lớn.
Theo Bộ trưởng Sivakumar, tình trạng thiếu hụt lao động phải được giải quyết ngay lập tức vì điều này có thể ảnh hưởng nền kinh tế khi hơn 700.000 lao động nước ngoài đã rời khỏi Malaysia trong thời gian dịch Covid-19. Để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài, Bộ Nguồn nhân lực và Bộ Nội vụ đã đơn giản hóa thủ tục và đẩy nhanh quá trình tuyển dụng. Bộ Nội vụ hiện chỉ cần ba ngày để phê duyệt xong hồ sơ tuyển dụng lao động nước ngoài.