Thu thuế có chống đầu cơ bất động sản?

Tuy còn nhiều ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Thuế liên quan đến bất động sản (BĐS) của Bộ Tài chính nhưng phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đề xuất thuế nhà, tài sản. Bởi thời gian qua, tình trạng đầu cơ bất động sản đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản luôn được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: HẢI NAM
Thị trường bất động sản luôn được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: HẢI NAM

1/Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương cho ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Thuế liên quan đến BĐS. Vấn đề hiện còn khá nhiều ý kiến băn khoăn, song đa phần đều cho rằng cần phải siết chặt việc đánh thuế đối với BĐS, loại hàng hóa đặc biệt có nhiều tác động đến nền kinh tế và đời sống của người dân.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất vấn đề này. Tháng 4/2018, Bộ từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản nhưng sau đó đề nghị này đã bị thu hồi do vấp phải sự phản ứng của dư luận. Thời gian gần đây, tình trạng “sốt” đất diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước đã tiếp tục đặt ra vấn đề xem xét thu thuế đối với BĐS với tư cách là một loại tài sản. 

Trên thực tế, từ lâu, chính sách thu thuế bất động sản đã được nhiều quốc gia áp dụng với nhiều phương thức, cách tính khác nhau. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, thu thuế BĐS dường như vẫn là nội dung mới với nhiều khái niệm, quy chuẩn cần làm rõ. Bởi vậy, tại thời điểm này, đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất này.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu thêm loại thuế này sẽ đẩy giá nhà ở tăng cao, cơ hội sở hữu nhà ở của người dân sẽ càng thêm khó. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự phân định cụ thể, rõ ràng giữa các loại BĐS. Không thể đánh đồng ngôi nhà vài trăm triệu đồng với căn biệt thự giá trị lên đến vài chục tỷ đồng.

2/Thời gian qua, tình trạng đầu cơ BĐS xảy ra đã mang đến nhiều hệ lụy cho thị trường, “sốt” đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước không chỉ dẫn đến nguy cơ “bong bóng bất động sản” mà còn khiến rất nhiều người mất đi cơ hội sở hữu nhà ở, nhất là với nhóm người thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc sử dụng công cụ thuế đối với BĐS chỉ có tác dụng thực sự khi thị trường minh bạch được minh bạch hóa. Tại Việt Nam, khi nào mọi giao dịch mua bán BĐS đều qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, các nguồn thu nhập đều chứng minh được nguồn gốc thì việc sử dụng công cụ thuế đối với BĐS mới phát huy hết hiệu quả. “Áp thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác, thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu BĐS chứ không phải thuế chuyển nhượng nên sẽ hạn chế đầu cơ vào thị trường này. Sắc thuế cần tập trung mạnh hơn đối với những người sở hữu từ hai sản phẩm BĐS trở lên, việc tăng giá bất động sản khi thêm thuế này sẽ khó xảy ra”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Còn theo GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, việc đóng thuế cũng cần phải quy định rõ ràng, thí dụ khu vực đô thị giá đất cao thì thuế cao, nông thôn giá thấp thì thuế thấp. Người dân sẽ căn cứ vào khả năng tài chính, thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở phù hợp, hạn chế tình trạng di cư ồ ạt gây quá tải hạ tầng đô thị. Thuế chính là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh dòng người tự do tìm nơi cư trú, tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho quá trình phát triển cả đô thị và nông thôn.

3/Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả BĐS nhà ở, bảo đảm lợi ích của người dân và quyền lợi của Nhà nước.

Liên quan đến việc thu thuế để chống đầu cơ BĐS, một điểm mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý đó là cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng, mục tiêu, bảo đảm đánh thuế công bằng, hướng đến mục tiêu chủ yếu là giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nhưng không kìm hãm hoạt động đầu tư phát triển của thị trường. Đồng thời, cần tính toán kỹ để bảo đảm nguyên tắc thu thuế đối với BĐS không hướng vào người nghèo mà hướng vào các đối tượng đầu cơ tích trữ nhà ở. Cùng với đó, cần từng bước nghiên cứu để có chế tài hạn chế thực hiện giao dịch BĐS bằng tiền mặt để ngăn chặn tình trạng lách luật, trốn thuế khi thực hiện các giao dịch liên quan đến BĐS.