Với nhiều lợi thế, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao.
Hình mẫu thành công
Theo số liệu thống kê, năm 2023, trong khi vốn FDI đăng ký toàn cầu chỉ tăng 3% thì tại Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022 và giải ngân đạt hơn 23 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Cùng với đó, khu vực này nộp ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD, chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD, tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước, bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động. Đáng chú ý, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận trong 10 tháng năm 2024 với tổng vốn đăng ký đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn giải ngân khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn nhận kết quả này, PGS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và nền tảng tăng trưởng kinh tế khá cao. Theo đó, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chíp.
Những chính sách gần đây của Mỹ đã nhìn nhận Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản tiền không nhỏ từ Đạo luật Chíp sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn như nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán, sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh mục tiêu thu hút khoảng 39-40 tỷ USD vốn FDI, năm 2024 Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD, đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng với số lượng, chất lượng các dự án đầu tư, cơ cấu đầu tư tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 63%). Trong đó, có nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và mở rộng.
Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện, điện tử,… Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Ampere, Marvell, Cadence, Renesas... Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội trở thành mắt xích quan trọng
Về triển vọng, Việt Nam có cơ hội trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ toàn cầu nhờ năng lực phản ứng chính sách ngày càng được nâng cao, thể chế, khung khổ pháp lý liên quan dần được hoàn thiện, như việc nghiên cứu và trình Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm ổn định môi trường đầu tư; bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Các tổ công tác chuyên biệt được thành lập để trực tiếp đàm phán, hỗ trợ, các tập đoàn lớn như Nvidia, SK,… đã đầu tư vào Việt Nam và đưa ra những cam kết về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, tái tạo.
Việt Nam cũng có lực lượng lao động chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hằng năm.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mới trình Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục khẳng định vai trò là đối tác tin cậy và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu trong tương lai không xa.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% số doanh nghiệp cho biết, họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tuy vậy, ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép. Vì vậy, ngoài những giải pháp từ phía Chính phủ đề ra như cắt giảm chi phí logistics và cải thiện hạ tầng, Việt Nam có thể tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, giúp tạo nên một môi trường thuận lợi cho các lĩnh vực công nghệ cao và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, thu hút và sử dụng FDI cũng bộc lộ một số vấn đề cần được khắc phục, như một số doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, lãi thật, lỗ giả, công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu, tranh chấp lao động, đầu tư lướt sóng. Về công nghệ và quản trị, Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Đặc biệt, kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Vì vậy, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước và tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, gồm 36 chỉ tiêu; trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Khi được áp dụng, các địa phương sẽ được hướng dẫn thực hiện để có nhận thức đúng đắn về chất lượng và hiệu quả sử dụng dòng vốn FDI.