Thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề

Hỗ trợ đào tạo nghề khi thất nghiệp để họ sớm quay trở lại thị trường lao động là một trong những quyền lợi của người lao động (NLĐ) khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hết năm 2023, Quỹ BHTN kết dư gần 60 tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều LĐ thất nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc học nghề.
Đào tạo nghề cho lao động tại Trường cơ điện Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN
Đào tạo nghề cho lao động tại Trường cơ điện Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN

Chỉ 4% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề

Gắn bó với việc kiểm tra chất lượng hàng may mặc cho một công ty tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Văn Lâm, Hưng Yên) được hơn 10 năm, đến giữa năm 2023, chị Lê Thị Tám (37 tuổi, trú tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Theo chị Tám, lý do được phía công ty đưa ra là do tình hình kinh tế khó khăn nên phải cắt giảm nhân sự, trong khi đó, tuổi của chị Tám cũng đã cao.

“Khi làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được cán bộ tại trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn học nghề. Tuy nhiên, danh mục nghề toàn những nghề không phù hợp với tôi. Hơn nữa, thời gian học kéo dài, cộng với tiền hỗ trợ học nghề chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng. Như tôi bị mất việc làm, không có thu nhập, tiền sinh hoạt hằng tháng còn không đủ thì lấy đâu ra tiền để học nghề”, chị Tám chia sẻ.

Mong muốn được đi học lái xe sau khi bị mất việc làm hồi đầu năm 2024 nhưng anh Phạm Trọng Nghĩa (42 tuổi, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đành từ bỏ ý định do “thủ tục cần làm để đủ điều kiện học nghề mất nhiều thời gian”. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chưa bằng một phần ba học phí khóa học lái xe cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh từ chối học nghề sau khi thất nghiệp. “Chi phí của khóa học cộng với các khoản chi khác trong thời gian tham gia học nghề vượt quá khả năng của tôi”, anh Nghĩa cho biết.

Theo quy định, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố. LĐ khi tham gia BHTN nếu có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Đây được coi như một bước đệm để NLĐ có thể chuyển đổi công việc, đồng thời sớm quay trở lại với thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, chỉ một phần nhỏ LĐ thất nghiệp lựa chọn việc học nghề.

Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2023, cả nước có hơn 1,1 triệu người đến các trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 12,2% so với năm 2022). Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 1,06 triệu người (tăng 9,5% so với năm 2022). Nhưng từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước chỉ có hơn 28 nghìn LĐ thất nghiệp tham gia học nghề, chiếm 4% số LĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số NLĐ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng qua từng năm. Cụ thể: Năm 2021, có hơn 63 nghìn người; năm 2022 là hơn 71 nghìn người; năm 2023 là gần 85 nghìn người; riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã có 10.741 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngược lại, số người có quyết định học nghề lại giảm.

Cụ thể: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 117 người quyết định học nghề. Quyết định học nghề là thế, số người tham gia học nghề thực tế còn thấp hơn. Cụ thể: Năm 2021 là 558 người; năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người; 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người.

Tại tỉnh Hải Dương, theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024, trong số hơn 2.000 LĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có 23 LĐ đăng ký học nghề, chiếm khoảng 1% số LĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo ý kiến của đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại “Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ đang hưởng BHTN trên địa bàn thành phố năm 2024” diễn ra mới đây, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng NLĐ chưa thiết tha với việc học nghề khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Có thể kể đến việc số NLĐ đăng ký học nghề còn ít, nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó mở lớp đào tạo. Phần lớn NLĐ thất nghiệp chỉ mong muốn nhanh chóng tìm được công việc mới để bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình. Ngoài ra, còn tình trạng NLĐ chưa hiểu rõ được các nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Một nguyên nhân quan trọng khác là chi phí hỗ trợ đào tạo nghề chưa cao (1,5 triệu đồng/ tháng), nếu tham gia đào tạo nghề NLĐ phải nộp thêm chi phí.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân khiến nhiều LĐ thất nghiệp không “mặn mà” với việc học nghề do đây chủ yếu là đội ngũ LĐ phổ thông, không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới. Trong khi đó, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách BHTN chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác, nên NLĐ gặp khó khăn khi phải tự chi trả nhiều khoản trong thời gian học nghề.

TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, NLĐ không nên chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp mà cần lựa chọn học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung - cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay. Theo bà Hương, để thu hút LĐ thất nghiệp học nghề, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề, kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề, xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm LĐ sau thất nghiệp.

Thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề ảnh 1

Người lao động được tư vấn học nghề khi hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: NHƯ HẢI

Kết hợp một số giải pháp đào tạo nghề

Từng tham gia lớp Kỹ thuật nấu ăn do trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức, học viên Đào Thu An chia sẻ: “Nhờ những kỹ năng học được từ khóa đào tạo này, tôi đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến qua Grabfood, Shopee, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Tôi nghĩ các lớp đào tạo nghề như vậy có ý nghĩa lớn đối với LĐ phi chính thức trong hành trình trở lại thị trường lao động”.

Còn học viên Bùi Minh Hiền, lớp Pha chế đồ uống cho biết: “Khóa đào tạo nghề là một trong các cơ sở để tôi đầu tư thêm kỹ năng, mở cửa hàng kinh doanh tại số 64 phố Hàng Than (Hà Nội), bước đầu tạo nguồn thu nhập mới cho bản thân và gia đình”.

Các trường hợp trên cho thấy, đào tạo nghề cho LĐ hưởng BHTN nói riêng vào LĐ phi chính thức nói chung có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhiều LĐ có thu nhập bấp bênh, có cơ hội tham gia lại thị trường lao động, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng LĐ phi chính thức dành thời gian thích đáng để tham gia học nghề nâng cao trình độ bản thân nhằm mau chóng tham gia thị trường lao động chính thức rất ít.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% số LĐ phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của LĐ phi chính thức. Số LĐ phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%. Hạn chế về chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến LĐ phi chính thức không thể chuyển đổi công việc, cho dù công việc đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu.

Nhằm thu hút nhiều LĐ đăng ký học nghề hơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Phó Giám đốc Trung tâm Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Để giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Trung tâm cũng tăng cường kết nối học viên với các đơn vị tuyển dụng, giúp lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm”.

Về bất cập liên quan đến chính sách, Vụ trưởng Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Trọng Độ chia sẻ: Thực tiễn cho thấy một số quy định về mức hỗ trợ ăn, đi lại, chi phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg còn thấp. Vì vậy, năm 2024, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình công tác, đang xin ý kiến các cơ quan liên quan với quan điểm nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ; đồng thời huy động các tổ chức tham gia đào tạo nghề.

Theo Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Lê Minh Thảo, hiện nay, Sở đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành phố trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhằm có thêm chính sách hỗ trợ ưu tiên đến các nhóm LĐ, bao gồm LĐ phi chính thức là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, LĐ nữ bị mất việc làm, LĐ nông thôn...

Các cơ quan chức năng, chuyên gia tin tưởng rằng, việc tiếp tục nâng chế độ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề sẽ thu hút được NLĐ tham gia học nghề, giảm chi phí, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho NLĐ ở từng địa phương.