Thu hút FDI chất lượng cao từ EU

Trong thời gian qua, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2-5% so tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới. Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hai bên. Thời gian tới, thu hút FDI từ EU sẽ là chiến lược dài hơi của Việt Nam với các giải pháp phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm gia dụng của doanh nghiệp Đức sản xuất tại Việt Nam được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều sản phẩm gia dụng của doanh nghiệp Đức sản xuất tại Việt Nam được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: HẢI NAM

Cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI

Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà-phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai. Chia sẻ về khoản đầu tư này, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, dự kiến khi dự án đi vào hoạt động, công suất của nhà máy sẽ tăng lên gấp đôi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và khai thác hiệu quả dư địa xuất khẩu.

“Tính đến nay, Tập đoàn Nestlé đã đầu tư gần 830 triệu USD thông qua Công ty TNHH Nestlé Việt Nam với bốn nhà máy và hai trung tâm phân phối. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, công ty đang vận hành ba nhà máy. Trong đó Nestlé Trị An là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam. Thông qua dự án này, chúng tôi cũng mong muốn có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, ông Binu Jacob cho hay.

Theo kết quả khảo sát hằng quý về Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khi BCI đạt 46,3 trong quý IV/2023. Cụ thể, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt khi các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% trong quý III lên 32% trong quý IV.

Triển vọng cho quý I năm 2024 cũng rất tích cực, với 29% số doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là “xuất sắc” hoặc “tốt” với 31% số công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I năm 2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.

Nhìn nhận về xu hướng này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, kể từ khi được thực thi (ngày 1/8/2020), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ EU vào Việt Nam. Đến tháng 8/2023, có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án, chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp châu Âu với thế mạnh phát triển ngành công nghiệp cao đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo cú huých cho phát triển bền vững tại các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo.

“Những dòng vốn đầu tư từ châu Âu không chỉ góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI đầu tư vào Việt Nam mà còn đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng kinh tế số, thúc đẩy cách mạng 4.0 cũng như cam kết của Việt Nam trong thực hiện phát thải ròng bằng 0”, ông Toàn nhìn nhận.

Thu hút FDI chất lượng cao từ EU ảnh 1

Sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được giới thiệu với khách hàng. Ảnh: SONG ANH

Chiến lược dài hơi của Việt Nam

Tuy số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Cụ thể, xét về vốn, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được, trong khi tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới. Xét về mặt dự án, vốn đăng ký trung bình của một dự án đạt cao nhất 14,62 triệu USD vào năm 2014, sau đó giảm xuống mức hơn 9 triệu USD/dự án trong những năm tiếp theo và từ năm 2022 đến nay dù có tăng lên song vẫn chỉ ở mức 11,57 triệu USD/dự án.

Về nguyên nhân, theo ông Toàn, những diễn biến căng thẳng của tình hình địa chính trị thế giới và suy thoái kinh tế tác động khiến quy mô vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp. Không chỉ các nước đang phát triển, những nước phát triển cũng có nhu cầu thu hút vốn từ những tập đoàn lớn nên có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước.

“Các nước EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, như Đức, Italy quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành chiến lược; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước với các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như ô-tô, hàng không, công nghệ số…”, ông Toàn nêu rõ.

Vì vậy, thời gian tới, thu hút FDI từ EU sẽ là chiến lược dài hơi của Việt Nam với các giải pháp phù hợp. Ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng vào Việt Nam thì các chính sách sắp tới phải đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với các cam kết quốc tế.

“Trước đây mình chỉ làm đất sạch để nhà đầu tư vào, thì nay các địa phương có thể xây dựng sẵn hạ tầng miễn phí thay vì ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư FDI. Hay, các bộ, ngành và địa phương cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực để các doanh nghiệp này có thể tuyển dụng và sử dụng ngay sau khi đầu tư”, ông Toàn gợi ý.

Tại Lễ ra mắt Sách trắng 2024, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Gabor Fluit đánh giá, dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt. Theo đó, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể với 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất và 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu.

“Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng”, Chủ tịch EuroCham nêu rõ.