Thông điệp thay đổi

Một ngày sau cuộc bầu cử Hạ viện Thailand, đường phố Thủ đô Bangkok tràn ngập sắc áo cam của những người ủng hộ đảng Tiến bước (MFP), đảng được xác định chiến thắng theo kết quả sơ bộ. Phát biểu ý kiến khi đứng trên chiếc xe bán tải giữa đám đông hò reo cuồng nhiệt, lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat nói rằng, ngày mới tươi sáng hơn đang đến với đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat trả lời báo giới sau chiến thắng của MFP. Ảnh: THE BANGOK POST
Lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat trả lời báo giới sau chiến thắng của MFP. Ảnh: THE BANGOK POST

Kết quả sơ bộ kiểm phiếu do Ủy ban bầu cử Thailand (EC) công bố ngày 15/5 cho thấy các đảng đối lập đã giành thắng lợi áp đảo, trong đó MFP về nhất với 152 ghế, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng thứ hai với 141 ghế, đảng Tự hào Thailand (Bhumjaithai) xếp thứ ba với 70 ghế. Trong liên minh cầm quyền hiện tại, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharat) của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon được 40 ghế; đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng thứ 5 với 36 ghế và đảng Dân chủ lâu đời nhất tại Thailand chỉ có 25 ghế.

Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này đạt 75,22%, cao hơn cả mức kỷ lục là 75,03% trong cuộc bầu cử năm 2011. Thắng lợi của các đảng đối lập đã thể hiện rõ mong muốn về một chính phủ dân chủ mới và trên thực tế, cử tri đã bỏ phiếu cho sự thay đổi.

Theo giới quan sát, thành công của MFP có đóng góp lớn của lãnh đạo đảng. Là một doanh nhân thành đạt, được đào tạo ở Trường đại học Havard (Mỹ), ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, thu hút sự ủng hộ của cả phe áo đỏ, áo vàng trước đây và tạo nên làn sóng áo cam mới. Cử tri Thailand cũng đang nhắm tới những cá nhân xuất sắc, có uy tín, hiểu biết về xu hướng mới. Dù vậy, chiến thắng của MFP vẫn gây bất ngờ. Mới được thành lập ba năm trước, nhưng MFP đã vượt qua nhóm chính trị lớn nhất Thailand là đảng Pheu Thai, đảng được quân đội ủng hộ là Palang Pracharat và cả đảng UTN đã lãnh đạo đất nước trong gần chín năm qua.

Ngay khi có kết quả sơ bộ, lãnh đạo MFP công bố kế hoạch thành lập liên minh cầm quyền gồm sáu đảng và tuyên bố sẵn sàng trở thành Thủ tướng tiếp theo của Thailand. Ông Pita cũng đã liên hệ với ứng cử viên chức Thủ tướng thuộc đảng Pheu Thai. Lãnh đạo Pheu Thai đồng ý tham gia liên minh với MFP và khẳng định với số lượng dự kiến 309 ghế tại Hạ viện khóa mới, liên minh có đủ khả năng để thành lập một chính phủ ổn định.

Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả chính thức xác nhận chiến thắng giòn giã của MFP, ông Pita vẫn phải chờ được bầu làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu sắp tới của cả Hạ viện và Thượng viện, với 250 thượng nghị sĩ cùng 500 hạ nghị sĩ mới được bầu. Để chiến thắng tại cuộc đua này, ông Pita hay bất kỳ ứng cử viên nào phải giành được sự ủng hộ của ít nhất 376 nghị sĩ.

Mục tiêu nêu trên không phải dễ dàng. Liên minh do MFP thành lập có thể giành đa số ghế tại Hạ viện và điều này tạo thuận lợi cho ứng cử viên MFP trong cuộc bầu cử Thủ tướng. Song Thượng viện được cho là phe quân đội ủng hộ và đây sẽ là khó khăn với MFP. Thế đa số, gồm 306 ghế Hạ viện của MFP và Pheu Thai, chưa đủ để bảo đảm thắng lợi cho ứng cử viên Thủ tướng của liên minh. Khi đó, Thượng viện giữ vai trò quan trọng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo chính phủ Thailand tới đây.

Cuộc bầu cử Hạ viện hôm 14/5 là kỳ tổng tuyển cử lần thứ hai kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tại Thailand hồi năm 2014. Bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Thailand được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát vẫn cao, đe dọa triển vọng phục hồi sau đại dịch. Không chỉ bầu các nhà lập pháp khóa mới, lá phiếu của cử tri đã thể hiện rõ mong muốn thay đổi và đặt kỳ vọng vào nhà lãnh đạo chính phủ mới có thể giúp đất nước trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển.