Thoát nghèo từ nông nghiệp hữu cơ

Khát vọng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam đã thành sự thật. Cây rau hữu cơ bén rễ nảy mầm, lá xanh trái ngọt được thị trường ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói rau hữu cơ trước khi chuyển đi tiêu thụ.
Đóng gói rau hữu cơ trước khi chuyển đi tiêu thụ.

Đất cằn hóa màu mỡ

Gần 10 năm trước, đất đai ở Thanh Đông chai sần, khô khốc. Mỗi năm chỉ có cây bắp, dây khoai lang mới chịu được khô hạn. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân không đáng là bao. Quy trình làm nông đơn sơ cùng những tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học chưa phân hủy hết khiến đất cứng càng thêm bạc màu.

Năm 2014, câu chuyện về nền nông nghiệp với đa dạng loài cây, rau trồng từ nguồn dinh dưỡng, phân bón hữu cơ theo quy trình khép kín được người dân Thanh Đông quan tâm và đầu tư. Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An” ra đời mở hướng đi giúp bà con tận dụng hết giá trị dinh dưỡng của đất đai, khí hậu vùng Cẩm Thanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao của thị trường.

Một ngày làm việc của nhà nông ở Thanh Đông bắt đầu từ 5 giờ sáng. Mỗi hộ trong Hợp tác xã chuẩn bị thu hoạch theo đơn hàng các loại rau do đơn vị đầu mối tại TP Đà Nẵng và TP Hội An báo về. Rau dền, húng quế, rau muống, cải bẹ, củ cải trắng, ngô non, bí bầu, các loại rau mùi… qua công đoạn ngắt lá già sẽ được vệ sinh, sấy khô phần nước dư thừa và đóng gói. Do nhiều hộ dân cùng canh tác, sản xuất trên 1 ha đất chung nên từng phần bao bì rau củ được dán nhãn tên tuổi người trồng, ngày giờ thu hoạch để sau này dễ dàng truy xuất nguồn gốc rau củ nếu khách hàng cần.

Bà Đinh Thị Xinh nhớ lại, giai đoạn trước, mỗi lần đem cuốc ra xới đất tỉa bắp thì âm thanh “lục cục” cứ dội ngược sau mỗi nhát cuốc. Qua những lần được các chuyên gia, nhà khoa học về nông nghiệp hướng dẫn cách phục hồi đất, tự làm phân bón hữu cơ gồm 50% phế phẩm lá cây rau bỏ đi, 30% phân trâu bò cùng 20% những phụ chất như phân trùn quế, bánh dầu (bã đậu phộng sau khi ép), bà con quen dần và áp dụng thành thạo cho đến nay.

“Sáng sớm ra vườn, ai cũng có đơn hàng rau củ, cùng nhau thu hoạch để kịp gửi ra phố là ngày đó vui nhất. Tất cả nông dân chúng tôi đều áp dụng cách trồng chung ở chỗ một luống đất dài gần 10 m sẽ trồng trên đó 5-6 loại rau. Trồng như vậy mới bảo đảm luôn có nguồn rau đa dạng cho khách mua, ngoài ra tránh việc lỡ gặp sâu hại sẽ dễ mất sạch nếu nguyên luống đất chỉ có một loại rau”, bà Xinh cho hay.

Yêu hơn nghề nông, biết giữ môi trường

Ông Lê Nhương, thành viên Ban giám sát Hợp tác xã mỗi ngày đôn đốc bà con thu hoạch rau đúng hẹn cho khách, đồng thời kiểm tra tình hình chung của cả khu đất 1 ha này. Đều đặn cứ ba đến sáu tháng, hàm lượng nitrat trong đất được kiểm tra, nếu vượt quá ngưỡng cho phép thì rau tại luống đất đó sẽ buộc dừng xuất đi. “Hàm lượng nitrat nếu lên hơn 45% sẽ không bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng nên chúng tôi phải luôn theo dõi sát con số này”, ông Nhương nói.

Để yếu tố an toàn vệ sinh của rau củ Thanh Đông được minh bạch, sự phối hợp giữa Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, người tiêu dùng cùng đại diện TP Hội An sẽ kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ tại vườn, lưu lại số liệu, nhật ký đồng ruộng, mẫu vật phẩm… từng vườn của nhà nông. Từ khi ra đời đến nay, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Thanh Đông dựa trên bộ tiêu chuẩn PGS Việt Nam.

Từ vốn sống của nhà nông, sự cần cù cùng tính kiên nhẫn học hỏi kiến thức chuyên môn, bà con nông dân Thanh Đông ngày càng phấn khởi sau mỗi vụ rau. Đúng như những chia sẻ của ông Nhương rằng, để tập hợp sức lực, công trồng trọt cũng như chuyển đổi hành vi lao động thông thường sang nông nghiệp hữu cơ của hội viên Hợp tác xã thì cần để mọi người thấy được nguồn thu mà họ sẽ nhận được.

Mỗi ngày, vườn rau hữu cơ Thanh Đông cung cấp khoảng 50 kg rau, củ các loại đến tay khách hàng. Từ chỗ ổn định đầu ra nông sản, vườn rau trở thành lớp học, tạo không gian tham quan, thực hành làm rau hữu cơ cho các đoàn du khách. Từ đó, mỗi hộ nông dân thu về khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Nhà nông hăng say khi đời sống phát triển. Nguồn thu từ vườn rau hữu cơ đủ cho bà con trang trải cuộc sống. Kèm với đó là niềm vui khi những kỹ năng, kiến thức nghề nông lâu nay được nhiều khách du lịch hứng thú tìm hiểu”, ông Lê Nhương hào hứng.

Từ đây, giá trị đất nông nghiệp được người dân tự bảo tồn để duy trì kinh tế xanh bền vững. Thói quen trân trọng, yêu môi trường của nhà nông đã hiện hữu rõ nét khắp vùng Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Đất không phụ lòng người, Thanh Đông đã trở thành một cộng đồng nông nghiệp sáng tạo, đi đầu.