Thiếu thiết bị chữa cháy pin xe điện

Thị trường xe điện tại Việt Nam ngày càng sôi động khi có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô-tô điện, xe máy điện, xe đạp điện, từ phân khúc xe phổ thông đến xe sang cao cấp. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn cháy nổ liên quan tới pin Lithium - ion (Li-ion) là bài toán không dễ giải tại thời điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát PCCC và CNCH tập luyện chữa cháy pin xe điện.
Cảnh sát PCCC và CNCH tập luyện chữa cháy pin xe điện.

Sản phẩm đặc thù

Theo chia sẻ của Công ty cổ phần Ô-tô TMT, đơn vị đang sản xuất dòng xe điện Wuling Hongguang Mini EV, thì xe Mini EV sử dụng pin LFP của công ty Gotion Battery Co.,Ltd. Pin LFP đã trải qua 14 bài kiểm tra cháy nổ do Trung tâm Giám định và Kiểm định chất lượng thân xe của Trung Quốc và Liên hợp quốc đưa ra. TMT Motors cũng cung cấp sách hướng dẫn sử dụng kèm theo xe cho khách.

Còn đại diện của VinFast cho biết, các dòng pin điện được trang bị trên xe của hãng phải trải qua quá trình thử nghiệm khắc nghiệt và được kiểm định kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, pin xe điện luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là pin Li-ion không thể dập tắt bằng các phương pháp thông thường. Tính trong hai năm qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy liên quan đến xe điện gây thiệt hại nghiêm trọng, như ngày 16/1/2022 tại bãi xe tầng trệt tháp 5, chung cư Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Hay vụ cháy khác xảy ra tại TP Hà Tĩnh vào ngày 25/9/2020 trên địa bàn phường Tân Giang làm cháy rụi ô-tô 5 chỗ, nguyên nhân vụ cháy do sạc xe máy điện.

Thử nghiệm mới đây giữa Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cùng các doanh nghiệp liên quan về xử lý đám cháy từ pin Li-ion sử dụng trong xe máy và xe đạp điện cho thấy các loại bình chữa cháy xách tay sử dụng bột và khí CO2 không thể dập tắt đám cháy. Chỉ có các bình chữa cháy gốc nước F500 EA, bình chữa cháy gốc nước OR-3 mới bảo đảm dập tắt được cháy do pin Li-ion gây ra.

Trong cuộc thử nghiệm, có các sản phẩm bình chữa cháy gốc nước F500 EA của Công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp Dầu khí Sông Lam và sản phẩm Bình chữa cháy đa năng ORION của Công ty TNHH Vina Foam Việt Nam là hiệu quả trong dập tắt đám cháy.

Doanh nghiệp than khó

Theo đại diện Công ty TNHH Vina Foam Việt Nam, các đám cháy pin Li-ion có tính chất phức tạp, nên chỉ bình chữa cháy pin Li-ion đã được kiểm nghiệm hiệu quả mới có thể khống chế nhanh chóng đám cháy, chống cháy lại và hấp thụ hiệu quả các khí độc hại sinh ra.

Tuy nhiên, đại diện Vina Foam cũng cho biết, hiện nay các thiết bị PCCC và CNCH tại Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu từ nhà cung cấp nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực sản xuất các thiết bị PCCC và CNCH của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, khó có thể cân đối chi phí khi ngành phụ trợ thiếu hụt. Nếu muốn sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhập siêu nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, để ra được một sản phẩm tốt, chất lượng thì chi phí đầu tư ban đầu là rất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng phải cao tương ứng để bù đắp chi phí sản xuất. Chính vì các khoản đầu tư ban đầu rất lớn như vậy nên không có nhiều doanh nghiệp dám chi mạnh tay để sản xuất bình chữa cháy hiệu quả. Thay vào đó, doanh nghiệp có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm theo xu hướng, để đáp ứng ngay đơn đặt hàng của khách hàng, mà ít để ý về thương hiệu sản phẩm và chất lượng sản phẩm.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đang nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm nguy hiểm cháy đối với pin xe điện các loại; đồng thời, sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo với chủ đề “An toàn Phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông chạy bằng điện”, kết hợp việc tổ chức thực nghiệm để đánh giá mức độ nguy hiểm cháy, nổ của pin xe điện và các phương pháp, biện pháp dập cháy xe điện hiệu quả để đưa thông tin đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Pin Lithium - ion dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện hiện nay, nếu cháy thì sẽ rất khó dập tắt theo cách thông thường. Thậm chí, nếu dùng nước để chữa cháy thì có thể gây nổ.