1/Dân gian có câu, “Tậu trâu cưới vợ cất nhà, trong ba việc ấy thật là khó thay”. Ngôi nhà bao giờ cũng được xem là một bước ngoặt, một sự kiện quan trọng của đời người. Thế nên khi đã có ngôi nhà để “an cư”, thì người miền Tây nghĩ ngay đến cái ước mơ ấm no, hạnh phúc… Tuy được xem là lớp người mộc mạc, song ước mơ ấy của dân miền Tây lại được thể hiện vô cùng ý nhị và điệu nghệ, không bằng lời nói, mà bằng những tấm tranh quê! Đó là khởi nguyên cho nghề tranh kiếng độc đáo ra đời!
Nếu như làng nghề tranh kiếng Lái Thiêu chú trọng tính nghệ thuật, làng tranh kiếng Chợ Lớn chủ đạo mảng văn hóa tâm linh, thì tranh kiếng Chợ Mới lại đứng chân trong lòng người dân miền Tây bằng hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh sinh hoạt. Tuy bình dị, mộc mạc nhưng tranh kiếng Chợ Mới lại hàm chứa nhiều thông điệp hết sức ý nghĩa. Có lẽ vậy mà dân miền Tây lại ưa thích loại tranh này, coi đó là một nét đặc trưng trong văn hóa miền sông nước.
Những ngày cuối năm, xuôi về miền Tây, dễ dàng bắt gặp những chiếc xe gắn máy thồ hai bên là những tấm tranh kiếng đầy mầu sắc, len lỏi đến khắp các kinh rạch từ Đồng Tháp Mười đến Tứ giác Long Xuyên và qua tận U Minh, Miệt Thứ. Người bán tranh kiếng thường bảo, nước chảy đến đâu là tranh kiếng đi đến đó.
2/Có dịp đi sưu tầm các tranh kiếng ở miền Tây, tôi bất ngờ khi thấy được một dòng chảy của thời gian, không gian và cả nếp ăn, nếp nghĩ của dân xứ mình trong những bức tranh; dòng chảy ấy hàm chứa bao thông tin, mà nét cọ tài hoa của người thợ vẽ đã làm cho sắc mầu lên tiếng. Với tranh thờ, ngoài những dòng chữ nho chủ đạo, thì phong cảnh phông nền cũng không kém phần quan trọng. Nếu như long, lân, quy, phụng thuộc vào hàng tứ linh trong văn hóa tín ngưỡng, thì tùng, cúc, trúc, mai cũng gợi nên những đức tính của người quân tử mà cháu con nhìn vào đó soi xét việc làm hằng ngày của mình. Đối với tranh phong cảnh, nếu như hình ảnh làng quê với cây cầu khỉ, mảnh ruộng sâu, con trâu nái, bên căn nhà lá đơn sơ gợi nhắc ông cha một thời vất vả thì cảnh nhà tường ngói đỏ, cầu ván khang trang, đồng vàng trĩu hạt lại là niềm tin, động lực và đích đến của mơ ước nhiều người. Để rồi, bao giờ ngắm nhìn tranh kiếng, cũng thấy hồn cốt và bóng dáng, nguồn cội qua những gam mầu đậm chất quê hương.
Bày những tấm ảnh chụp tranh kiếng trong chuyến điền dã, tôi vô cùng tò mò và thích thú khi phát hiện ra có một bước ngoặt của dòng tranh quê này. Đó là khi những đường nét thủ công mộc mạc, thô sơ được chuyển sang rập khuôn in theo mẫu. Lần theo dấu vết của những bức tranh, may mắn thay, tôi đã tìm được vợ chồng người thợ đã tạo nên bước ngoặt ấy.
Đó là vợ chồng ông Huỳnh Minh Quang, hiện sống và hằng ngày cặm cụi vẽ hồn cho những bức tranh kiếng ở cù lao Ông Chưởng, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đã ngoài bảy mươi, nhưng đôi mắt và bàn tay nghệ sĩ của ông Quang vẫn còn tinh lanh lắm. Vừa vẽ, ông vừa kể, hồi ấy vẽ tay, mất cả tuần mới xong một bức tranh, nên giá thành rất cao, làm cho sản phẩm không chạy lắm, mặc dù nhu cầu của dân mình chưa bao giờ ít đi. Sau nhiều năm trăn trở, ông bà đã tìm hiểu được phương pháp kéo lụa mầu cho tranh, tạo ra số lượng sản phẩm nhiều gấp 5-6 lần so với vẽ thủ công, vừa rút ngắn thời gian nhưng cũng vừa giảm giá thành.
Đọc nhiều truyện xưa, ông đã đưa các tuồng tích trong hát bội, cải lương, truyện cổ vào tranh kiếng như Thoại Khanh-Châu Tuấn, Phạm Công-Cúc Hoa, Thập Nhị Tứ Hiếu, Thạch Sanh Lý Thông… Mỗi câu chuyện là một bài học quý về đức tính của con người, được mỹ thuật theo kiểu cách rất miền Tây. Chính vì vậy mà dân châu thổ treo tranh kiếng ở nhà không chỉ để làm đẹp cho gia đình mà còn để răn dạy cháu con bằng những bài học mà người xưa để lại. Tranh cũng giống như người miền Tây, mộc mạc nhưng tinh tế, đơn sơ nhưng lại chứa đựng nhiều ý nhị.
![]() |
Ông Huỳnh Minh Quang với các bản phim làm khuôn kéo lụa mầu cho tranh. |
3/Tôi gọi ông Quang là “người giữ hồn tranh kiếng”, ông không chịu. Cười vui, ông bảo rằng, chính người dân miền Tây đã tạo nên hồn cốt của những bức tranh. Bởi khi lắng nghe những người đi buôn tranh về kể lại, ông nhận ra rằng, dân mình dạo rày mơ ước điều gì? Cũng như dân ở Đồng Tháp sẽ thích sen, dân biển Tây thích thuận buồm xuôi gió… Từng không gian và dòng chảy thời gian, đã thôi thúc ông Quang không ngừng cải tiến và sáng tạo. Cứ thế, mấy mươi năm theo nghề, ông đã vẽ ra hơn 100 bộ tranh. Từ hồi nào tranh vẽ dân mình cắt lúa trên đồng, thì giờ tranh đã có cảnh chiếc máy gặt đập liên hợp; khi nhà ngói đã phổ thông rồi, thì người ta mơ ước nhà lầu, trước cửa có xe hơi. Thế là bức tranh như điều mong ước đó ra đời… Chúng trở thành những ký ức sống động, giữ gìn cho một giai đoạn của con người và xứ sở.
Tuy nhiên, có lúc ông Quang buồn buồn nói với tôi rằng, “tranh kéo lụa vẫn không sao đẹp bằng tranh vẽ tay em ạ!”. Ngắm nhìn những dòng tranh thập niên 50-70 và hôm nay, tôi chợt giật mình. Mầu sắc, chất liệu, mẫu mã ngày một sang trọng, tinh tế và sặc sỡ nhưng không hiểu sao tôi vẫn mê sự ngô nghê, mộc mạc thủ công. Nó không chỉ toát lên cái tâm của người vẽ, mà còn phản ánh được cả tâm tư tình cảm gửi gắm trong từng nét mầu, nên mỗi bức tranh tuy giống nhau về nội dung nhưng đều là độc bản.
Đến xưởng tranh của ông Quang trong một ngày cuối năm, vợ chồng người thợ già vẫn miệt mài ngồi sáng tác. Nhìn những tấm tranh mới vẽ cảnh, ngôi nhà mái Thái bên cây cầu bê-tông, tôi tự hỏi lòng, tranh kiếng hôm nay có còn là hồn cốt của miền Tây? May sao vẫn thấy được bên cạnh bàn vẽ của bà xã ông Quang còn có mấy tấm tranh cũ của thế kỷ trước, bong tróc mầu nhiều chỗ, được đem về để dặm vá và vẽ lại. Bà cười, có nhiều người vẫn giữ tranh cũ và nét hoài niệm, họ muốn vẽ lại bức tranh như thay áo mới cho ký ức phủ bụi thời gian và rơi rớt phần nào sắc mầu nguyên thủy. Tuổi già, ngồi vẽ lại những cảnh này, chúng tôi như sống lại chính mình. Cũng như người thuê bà vẽ và cả tôi, đâu chỉ thấy được mơ ước của mình hôm nay, mà còn sống lại cả những hình ảnh ký ức năm nao qua những gam mầu trên tranh kiếng. Bức tranh quê bình dị mà chứa đựng được cả hồn đất, hồn người.