Sự việc Khu đô thị Thanh Hà bị cắt nước:

Thiếu nước sinh hoạt: Thiệt hại ai chịu?

Hơn một tuần qua, hàng nghìn người dân tại Khu đô thị Thanh Hà phải đối mặt với cảnh thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Thế nhưng, các đơn vị cung cấp lại đang đưa ra những lý do, luận điểm nhằm thoái thác trách nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng mất nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra nhiều ngày qua. Ảnh: QUANG PHONG
Tình trạng mất nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra nhiều ngày qua. Ảnh: QUANG PHONG

Tình trạng mất nước sạch, nguồn nước không bảo đảm tại Khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân tại đây gặp nhiều khó khăn, bị đảo lộn. Đáng chú ý, phòng y tế huyện Thanh Oai vừa có khuyến cáo cư dân tạm thời không ăn uống trực tiếp tại vòi, hệ thống trong khu đô thị vì kết quả lấy mẫu xét nghiệm trước đó thể hiện nước nhiễm vi khuẩn E.coli.

Tranh cãi trách nhiệm

Lý giải nguyên nhân của việc hàng nghìn hộ dân tại Khu đô thị Thanh Hà phải chịu cảnh thiếu nước, trong văn bản phúc đáp Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Đông cho biết, lưu lượng nước CTCP Nước mặt Sông Đuống (Nước mặt Sông Đuống) cấp cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Nước sạch Hà Đông) giảm nhiều, chỉ đạt từ 22.000 - 25.000 m3/ngày/đêm (trong khi đó theo thỏa thuận là 28.000 m3/ngày/đêm).

“Điều này khiến những khu vực dân cư do Công ty nước sạch Hà Đông đang phục vụ cũng thiếu nghiêm trọng. Những ngày gần đây, đơn vị đã cân đối nguồn nhưng chỉ cấp được cho Khu đô thị Thanh Hà được 758 m3/ngày/đêm và 968 m3/ngày/đêm. Trong khi nhu cầu nước sinh hoạt ở Khu đô thị là 3.000 m3/ngày/đêm”, đại diện Nước sạch Hà Đông cho biết.

Về vấn đề chất lượng nước, đại diện Nước sạch Hà Đông giải thích, do nguồn cung không đủ nên công ty đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan để cung cấp cho cư dân. Do thời gian gấp gáp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh.

Trước lý giải của Nước sạch Hà Đông, Nước mặt Sông Đuống đã có văn bản các đơn vị liên quan đề nghị đính chính thông tin không đúng sự thật. Theo Công ty Nước mặt Sông Đuống, công ty hiện cung cấp nguồn nước cho khu vực phía nam Hà Nội bao gồm quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.

Để bảo đảm kết nối mạng vòng giữa các hệ thống cấp nước, công ty đã triển khai xây dựng tuyến ống DN800 mm theo Quy hoạch (đấu nối từ tuyến ống DN1200 mm sau sông Hồng) chạy dọc đường 70 để bổ sung cấp nước cho quận Hà Đông. Tuyến ống DN800 mm được kết nối với hệ thống cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Đông (Hadowa) tại ngã 3 Xa La đường 70.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Nước sạch Thanh Hà trực tiếp cấp nước cho người dân từ hệ thống do công ty quản lý và có thể được bổ sung nguồn từ Hadowa tại ngã 3 vòng xuyến Kiến Hưng. Như vậy, khu vực Khu đô thị Thanh Hà không thuộc phạm vi cấp nước của Nước mặt Sông Đuống.

Ngoài ra, về tuyến ống cấp nước từ ngã 3 Xa La đến vòng xuyến Thanh Hà (ngã 3 Kiến Hưng), theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô, tuyến ống từ ngã 3 Xa La đến vòng xuyến Thanh Hà (ngã 3 Kiến Hưng) không được giao cho Nước mặt Sông Đuống đầu tư xây dựng. Do đó, Nước mặt Sông Đuống khẳng định tuyến ống trên không thuộc trách nhiệm của công ty.

Thiệt hại ai chịu?

Liên quan đến vụ mất nước, nguồn nước không bảo đảm khiến hàng nghìn hộ dân ở Khu đô thị Thanh Hà bị ảnh hưởng những ngày qua, ngày 22/10, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về công tác chỉ đạo điều tiết nước cấp cho khu vực này.

Theo đó, Công ty Nước mặt sông Đuống đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, CTCP Viwaco điều tiết nguồn cho Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng truyền tải lên đến hơn 3.100 m3/ngày/đêm.

Khu đô thị Thanh Hà nằm cuối nguồn của hệ thống nước mặt sông Đuống, với đường ống truyền tải từ nhà máy về Khu đô thị Thanh Hà là hơn 40 km. Về lâu dài khu đô thị Thanh Hà với nhu cầu sử dụng nước khoảng 27.500 m3/ngày/đêm sẽ được cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II với công suất lên 600.000 m3/ngày/đêm và Nhà máy nước mặt Xuân Mai công suất 300.000 m3/ngày đêm hoàn thành.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hoa, đoàn luật sư Hà Nội, theo quy định, người sử dụng nước sẽ phải ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp có trách nhiệm cung ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng, còn người dùng có trách nhiệm đóng phí đầy đủ và đúng hạn.

Trong trường hợp đóng chậm sẽ bị tạm ngừng cung cấp nước và phải nộp thêm một số khoản tiền phát sinh. Còn đối với đơn vị cấp nước, được tạm ngừng cung cấp dịch vụ trong các trường hợp như hệ thống bị sự cố, hư hỏng đột xuất, hoặc di chuyển, sửa chữa, cải tạo theo kế hoạch hằng năm của đơn vị, nhưng phải có trách nhiệm thông báo cho khách hàng trên phương tiện thông tin đại chúng và chuẩn bị phương án cấp nước ngay bằng xe téc đối với khu vực mất nước.

Theo như chia sẻ của người dân tại Khu đô thị Thanh Hà, thông báo được gửi đến cư dân của nhà cung cấp diễn ra khá bất ngờ, không kịp trở tay. Nhìn vào diễn biến của các cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà có thể thấy, việc thông báo và sự chuẩn bị ứng phó sự cố của các đơn vị cấp nước mang tính chất “cho có”. Nước sạch sẽ được cấp trở lại, nhưng có một thực tế là việc mất nước kéo dài khiến cuộc sống của người dân phải chịu nhiều thiệt hại (mua nước đóng chai để sinh hoạt, nghỉ làm để chờ hứng nước, thậm chí tự bỏ tiền mua xe téc…). Trong khi các đơn vị cung cấp đang tìm cách đổ lỗi cho nhau, không đơn vị nào muốn chịu trách nhiệm, vậy những tổn thất của người dân vừa qua sẽ giải quyết thế nào?