Thiêng liêng nghề cao quý

Nhiều thầy giáo, cô giáo đều tâm niệm, rằng muốn lưu giữ những phẩm chất cao đẹp của nhà giáo, người giáo viên cần ra sức tự hoàn thiện. Ngoài các quy định của ngành về chuyên môn, đạo đức, mỗi nhà giáo phải nhận thức sâu sắc về nghề “Trồng người”. Như vậy mỗi thầy cô mới yêu nghề, yêu trẻ, hết lòng chăm lo và giáo dục học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò Trường mầm non Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM
Cô và trò Trường mầm non Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Thầy và trò, xưa và nay

“Cách đây đúng 30 năm, tôi hướng dẫn một học viên cao học Hàn Quốc, tên là Kim Seonn Aa. Ngày bảo vệ, em chia sẻ rằng những năm tháng ở Việt Nam, em đã được sống trong đạo nghĩa thầy trò. Tôi hỏi tại sao? Em nói là trước đây, bên em chỉ có các ông bà đi dạy và những “đứa trẻ” đi học. Từ ấy tôi nghiệm ra, công nghệ dạy học hiện tại (một điều gần như là tất yếu) có thể sẽ ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo”, thầy Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, chia sẻ.

TS Nguyễn Quang Hòa, giảng viên Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô nhớ lại, thời bao cấp, thầy trò quý nhau, chả có quà gì. Chỉ cần bông hoa tặng thầy là được, nhưng ngày nay nó hình thức hơn, một bó hoa đẹp hơn, thêm vật chất khác. Thời bao cấp, học sinh hay mua những thứ thiết thực, như mua cam đến tặng. Nhưng bây giờ kinh tế khá hơn, nhiều học sinh tặng khăn, giày mốt, tùy theo hoàn cảnh kinh tế. Có nhiều thầy giáo mình rất yêu quý, tôn trọng. Nhưng có những thầy dạy bình thường, không quá nổi bật. Chúng ta chấp nhận những cái đó theo lẽ tự nhiên. Nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo là đáng quý, phải gìn giữ.

Nghề giáo luôn được coi trọng dù ở thời kỳ, bối cảnh nào. Và cũng như thế, giữa thầy và trò luôn là mối quan hệ đặc biệt, đầy tình cảm và sự trân quý. Trong xã hội hiện tại năng động, tự do, đề cao cá nhân và tôn trọng sự khác biệt, mối quan hệ thầy trò cũng dân chủ, cởi mở hơn nhiều. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) phân tích: “Ở lớp học hiện đại, học sinh luôn được tạo môi trường để cất tiếng nói, nhưng không vì vậy mà “sức nặng”, vai trò của người thầy bị mất đi. Thầy cô vẫn là điểm tựa, là người định hướng, hoạch định đường đi nhằm giúp học sinh có phương pháp tiếp cận kiến thức tốt nhất, ứng dụng hiệu quả nhất”.

Tình cảm thầy trò cũng có sự gần gũi, đáng yêu theo cách rất riêng. Giờ đây, học sinh có thể xem thầy cô như một người bạn lớn và không ngại trò chuyện, mời thầy cô vào các trò vui hồn nhiên của các em. Nhiều thầy cô cũng có thể dùng ngôn ngữ tuổi teen để đồng hành với các hoạt động, hiểu tâm tư, tình cảm của các em. Nhiều thầy cô không ngại tham gia các trend (xu hướng) trên mạng xã hội, thể hiện tình cảm vui nhộn giữa thầy và trò.

“Có một kỷ niệm tôi vẫn nhớ. Đó là lần tôi mang thai đứa con đầu lòng. Có hai em sinh viên đã tặng tôi cuốn sách “Những điều cần biết cho phụ nữ mang thai” với lời đề tặng là “cũng có chuyện cô Vàng Anh không biết chứ nhỉ”. Hay là thỉnh thoảng khi tôi chia sẻ sách với sinh viên, cũng có những em giới thiệu thêm cho cô cuốn này, cuốn kia mà cô còn chưa kịp biết, PGS, TS Thái Phan Vàng Anh, giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế xúc động nhớ lại.

Thiêng liêng nghề cao quý ảnh 1

Bữa ăn của học sinh mầm non trên đảo Lý Sơn. Ảnh: HẢI NAM

Vài suy tư về những “nốt trầm”

Trong ngày kỷ niệm của những người thầy, chắc chắn câu chuyện hàn huyên giữa thầy và trò luôn đầy ắp kỷ niệm xen lẫn xúc cảm. Những câu chuyện vui vẫn là ký ức thuở cắp sách tới trường. Ngẫm xưa mà nghĩ tới nay, quả thực “liều thuốc kích thích” sự phát triển của công nghệ và kinh tế bên cạnh việc nâng cao đời sống, thì cũng để lại không ít “tác dụng phụ”.

Nhìn từ góc độ học sinh, các em đang được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin và sự lôi cuốn ngoài lề, cả tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, khó tránh khỏi sự sao lãng với việc học tập cũng như chưa biết cách xử lý mà có lời ăn tiếng nói, hành động tổn thương, thiếu tôn trọng thầy cô. Chia sẻ suy nghĩ về thực tế này, NSND Hồng Khiêm, người thầy từng dìu dắt nhiều lớp nghệ sĩ tuồng khẳng định: “Nếu giả sử các em chuyên tâm học tập và tu dưỡng đạo đức, liệu có còn chuyện biếu xén, quà cáp cho thầy cô để xin nâng điểm? Nếu chứng kiến học trò đổ tâm huyết để rèn luyện, thu nạp kiến thức thì có người thầy cô nào có tâm lại không sẵn sàng dốc hết bụng kinh thư và tận lực vì các em? Thành công của các em là phần thưởng lớn nhất cho thầy cô rồi”.

PGS, TS Thái Phan Vàng Anh bày tỏ, từ thực tế của những người thầy, dù miền xuôi hay miền ngược, để trung bình hai vợ chồng nuôi hai con nhỏ, duy trì mức sống thì với mức lương giáo viên một tháng là còn khó khăn, chưa nói tích lũy. Bởi vậy, trước những áp lực hay cám dỗ từ vật chất, chúng ta càng khâm phục những người thầy giữ sự tôn nghiêm, tấm lòng trong sáng vì giáo dục bao nhiêu, càng nên dành bấy nhiêu cho sự cảm thông, để quan tâm tìm hiểu gốc rễ và quyết liệt tìm giải pháp cho những sự chưa chuẩn mực phát sinh trong nghề giáo ở thời hiện đại. Để các nhà giáo có thời gian, điều kiện chăm lo chuyên môn, giữ gìn phẩm chất, tạo được uy tín cho bản thân và nghề nghiệp, chinh phục được học sinh, phụ huynh và khiến xã hội tin tưởng.

“Ngôi đền” của trí thức, tình yêu và trách nhiệm

Phải cảm ơn Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bởi đó không chỉ là ngày chúng ta bày tỏ sự tri ân, kính trọng những người thầy. Mà còn là cơ hội hiếm hoi để thầy trò ngồi với nhau, nhắc lại không thôi những kỷ niệm tốt đẹp tuổi học trò, hâm nóng con người giàu niềm tin hơn và tự soi ngắm lại hành động của mình cho tử tế hơn trong cuộc sống. Như những dòng tâm sự của thầy Nguyễn Hùng Vĩ với học trò: “Hình ảnh các cô giáo vùng cao cách đây 50 năm không bao giờ phai trong tâm trí tôi. Họ cõng chữ qua những con dốc và cánh rừng phải lội bộ hai ngày trời, họ phải xin ăn từ đồn biên phòng nhường cơm sẻ áo... Và các thầy tôi nữa, hai cuộc kháng chiến gian nguy, vẫn hết lòng cho chúng tôi nên người, về già, khi mới đổi mới, tạm đủ ăn thì không ăn được nữa. Nghĩ đến các thầy cô, chúng tôi không thể sống khác hơn được. Chúng tôi thường nhắc nhau, như bây giờ là tốt rồi, may mắn rồi, tham nữa mà làm gì”.

Bản thân mỗi người thầy phải tự coi mình là “ngôi đền” thiêng liêng đầu tiên, tấm gương truyền thụ tri thức cũng như tình yêu và tinh thần trách nhiệm của một con người tử tế cho lớp lớp thế hệ học sinh. Vẫn có những thầy cô vùng cao tự dành tiền lương để nuôi ăn, mua quần áo cho học trò suốt 10 năm như thầy Nguyễn Quốc Thắng (35 tuổi), người bám trụ để dạy chữ cho học trò vùng Bảy Núi (huyện Tịnh Biên, An Giang) hay mới đây nhất là việc thầy, cô giáo kêu gọi thay hoa, quà ngày 20/11 bằng việc tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Quận 6, TP Hồ Chí Minh)... Ai đã và đang làm nghề giáo đều hiểu rõ nghề này cần nhiều công sức, phải hy sinh và dành trọn thời gian cho việc giảng dạy, chăm sóc học sinh. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mai, thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Việt Mỹ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Riêng tôi, hạnh phúc này bắt đầu từ sáng sớm để khởi động cho một ngày làm việc hăng say và hiệu quả. Khi vừa đặt chân tại cổng trường, các em học sinh nhỏ cấp tiểu học chạy tới ôm lấy tôi, hỏi thăm tôi; có bạn còn đọc bài thơ đã thuộc của bài học hôm qua, có em thì tâm sự mọi thứ từ gia đình, từ những chuyến đi chơi... Các anh chị lớn hơn cũng ra chào cô và cũng dành sự quan tâm cho cô hiệu trưởng của mình cũng như chia sẻ mọi chuyện của tuổi mới lớn để mong nhận được những lời khuyên hữu ích. Không phải riêng tôi, mối quan hệ của thầy trò trường chúng tôi rất thân thiện, học trò vẫn luôn giữ trọn vẹn lễ nghĩa và tôn trọng thầy cô giáo. Đây cũng là một minh chứng cho mối quan hệ thầy trò của thời đại mới, nơi đó luôn tràn ngập yêu thương và hạnh phúc, là một ngôi trường hạnh phúc”.

Trong vai trò thầy giáo kiêm người đứng đầu một đơn vị giáo dục liên cấp, cô Nguyễn Thanh Mai cho rằng, cán bộ quản lý trong nhà trường cần quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để thầy cô phấn đấu cho mục tiêu giáo dục. Chính sự kết hợp giữa ý thức tự rèn luyện của mỗi thầy cô và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn trọn vẹn, đề cao hình ảnh người thầy.