Thích ứng phòng, chống dịch

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, khi lượng người xuất nhập cảnh và lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của Việt Nam đều tăng cao thì việc dịch Covid-19 hay các bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh mới, phải thích ứng các biện pháp phòng, chống dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Khai báo y tế tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: BẮC SƠN
Khai báo y tế tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: BẮC SƠN

Phòng bệnh linh hoạt kết hợp tiêm vaccine

Dự báo, trong những tháng tới, đặc biệt dịp đầu năm mới 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân, sự giao lưu, đi lại qua biên giới có xu hướng gia tăng nên nguy cơ các ca bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn, trong khi đó, virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới.

Ông Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) đánh giá: “Nền tảng miễn dịch trong nước đã tăng, các ca bệnh nặng đã giảm. Dù vậy, khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 thay đổi liên tục, chúng ta vẫn cần chủ động các biện pháp ứng phó. Theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, cần tăng cường kiểm soát, phát hiện sớm để cảnh báo, chủ động phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm với mục đích cao nhất là theo dõi được các biến chủng mới”.

Cũng theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản được kiểm soát. Các biện pháp phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu và thích hợp trong tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, các địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, rà soát lại hệ thống điều trị; đồng thời tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các viện, bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gien để đánh giá nguy cơ.

TS Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc test nhanh các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu là cần thiết. Với các ca dương tính cần được hướng dẫn phân loại kịp thời, hợp lý. TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý, cùng với việc triển khai xét nghiệm xác suất thì công tác khám, chữa bệnh cũng rất quan trọng và cần được quan tâm. “Chúng ta cần đặt ra các tình huống xử trí thế nào khi phát hiện các ca bệnh nặng, suy hô hấp cũng như công tác vận chuyển người bệnh từ cửa khẩu về các cơ sở y tế”, TS Vương Ánh Dương nêu vấn đề.

Trước tình hình hiện nay, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu cần thực hiện nghiêm Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 cũng như tiếp tục bảo đảm công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể là kích hoạt hệ thống CDC, trung tâm y tế, trạm y tế để kiểm soát các ổ dịch bất thường, đồng thời lấy mẫu tại cửa khẩu gửi về các viện, bệnh viện để giải trình tự gien nhằm phát hiện sớm các biến chủng, biến thể phụ mới. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao và bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch...

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt và an toàn chứ không làm phát sinh thêm bất kỳ thủ tục gì khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông từ cửa khẩu, biên giới vào nội địa để người dân và khách du lịch nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện thông điệp “2K” (đeo khẩu trang và khử khuẩn).

PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: “Chúng ta khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có tỷ lệ tiêm vaccine cao, số người nhiễm cũng nhiều, đã có miễn dịch”. Dù vậy, theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Việt Nam cần tiếp tục giám sát để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới bằng cách làm việc sát sao với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước trong khu vực như Trung Quốc để kịp thời ứng phó. “Việt Nam nới lỏng đồng bộ nhưng dự phòng đồng bộ. Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó”, PGS, TS Trần Đắc Phu nói.

Cùng quan điểm trên, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục phòng bệnh linh hoạt, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế - bởi vì đây vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Biến thể phụ XBB của Omicron xâm nhập

Ở Việt Nam, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB Omicron tại tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên, vaccine phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.

Mới đây, Bộ Y tế phát đi thông cáo báo chí nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng, chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận hơn 500 biến thể khác nhau; biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3,3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.

Theo WHO, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra. WHO dự báo, chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên, vaccine phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong. Thêm vào đó, bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tính đến hết ngày 4/1/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 265 triệu liều vaccine phòng Covid-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp. Các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Cùng với đó là việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng.

Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa đông-xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp. Sắp tới, bước vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông-xuân, trong dịp lễ Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.