Thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi mạnh mẽ

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 đã được thực hiện vượt chỉ tiêu và vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan cho thị trường xuất khẩu lao động trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trong chín tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã đưa 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: BẮC SƠN
Trong chín tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã đưa 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: BẮC SƠN

Đã đạt 114,4% mục tiêu kế hoạch năm

Đến chín tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã đưa 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 114,4% mục tiêu kế hoạch năm (năm 2022 dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động). Đặc biệt, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (chín tháng năm 2021 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động).

Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động trong chín tháng qua với 51.859 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 44.584 lao động, Hàn Quốc với 1.668 lao động, Singapore 1.498 lao động, Trung Quốc 643 lao động, Romania 540 lao động, Hungary 522 lao động, Liên bang Nga 318 lao động, Ba Lan 315 lao động và các thị trường khác.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của nhiều quốc gia nhằm thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế chính là yếu tố góp phần giúp công tác xuất khẩu lao động năm 2022 về đích sớm. Trong đó, chính sách mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài của các quốc gia đã tạo điều kiện để Việt Nam đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sự phục hồi của thị trường xuất khẩu lao động cũng có nguyên nhân từ các giải pháp tích cực trong nước. Ngay từ đầu năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và trên toàn thế giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai ngay các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước như đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Israel, dự thảo Biên bản thỏa thuận (MOU) về lao động nông nghiệp với Australia, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thailand.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria; trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia”… Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch Covid-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các nước; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại...

Thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi mạnh mẽ ảnh 1

Giáo dục định hướng cho lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Rộng mở cơ hội sang thị trường châu Âu

Cùng với nhu cầu gia tăng do thiếu hụt lao động sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Âu cũng đánh giá cao năng lực làm việc và khả năng hòa nhập của lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Những yếu tố này giúp cho cánh cửa sang châu Âu làm việc đang rộng mở với lao động Việt Nam.

Hiện tại, thị trường lao động việc làm ở châu Âu đang chịu ảnh hưởng của làn sóng “nhảy việc” do đại dịch Covid-19. Nhiều lao động bản địa chọn cách nghỉ hưu sớm, số khác thì không muốn làm việc nặng, lương thấp hoặc chế độ theo họ là không tương xứng. Thêm vào đó, số lượng lao động nhập cư giảm mạnh do các lệnh phong tỏa trong hai năm đại dịch hoành hành. Những lý do này khiến nhiều nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, từ lao động phổ thông cho đến lao động tay nghề cao, gây trở ngại cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, so với thị trường châu Á truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… thì thị trường châu Âu hiện đang được coi là điểm đến lý tưởng cho lao động Việt Nam. Tại đây, môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng, đãi ngộ hấp dẫn. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng từ nguồn thị trường lao động này đều sẵn sàng chi trả mức thù lao cao để tuyển dụng được các lao động giỏi tay nghề. Với những lao động Việt Nam đang muốn tìm kiếm hướng đi mới cho tương lai, thay đổi điều kiện làm việc và sinh sống tốt hơn, gia tăng đáng kể thu nhập thì châu Âu là lựa chọn hàng đầu.

Ở thị trường Đức, vừa qua ông René Herrmann, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (Đức) cũng đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam để tuyển chọn, đào tạo và đưa điều dưỡng Việt sang Đức làm việc. Đây là đơn vị hợp tác tích cực với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) đưa gần 1.000 điều dưỡng Việt đang học tập và làm việc tại Đức.

Sang Đức sau khi được đào tạo và thi đạt chứng chỉ nghề quốc gia Đức, điều dưỡng Việt được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe với mức lương 3.000 euro/tháng (khoảng 75 triệu đồng). Hiện có gần 600 điều dưỡng Việt đã được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Đức. Theo ông René Herrmann, Đức không chỉ thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn đang thiếu nhân lực nhiều ngành nghề khác. Nhu cầu lao động tăng do nền kinh tế Đức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới.

Hungary cũng là quốc gia châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài làm việc, trong đó ưu tiên lao động Việt Nam. Nhằm thúc đẩy việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary, vừa qua, ông Juhas Csongor, Tổng Giám đốc Công ty Prohuman (Hungary) cũng đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Trong buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, đến nay, đã có 16 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép thực hiện tổ chức việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hungary. Tổng số lao động được đăng ký hơn 2.500 người, trong đó các doanh nghiệp đã tổ chức đưa được hơn 1.080 người đi làm việc tại Hungary trong các ngành nghề nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng,… Hầu hết, người lao động Việt Nam làm việc tại Hungary đều có thu nhập tốt và được bảo đảm các chế độ phúc lợi xã hội tại nước bạn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp với một số nước khu vực châu Âu như: Đức, Romania, Cộng hòa Czech, Bulgaria… Tùy theo nhu cầu của từng nước, bản MOU sẽ khác nhau dựa trên luật pháp và thỏa thuận. Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày càng có nhiều nước châu Âu tìm đến Việt Nam để thúc đẩy hợp tác về lao động, điều này mang lại những cơ hội phát triển sự nghiệp cho người lao động Việt Nam.

Về xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới, đơn vị này cho biết sẽ hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo sáu tháng trở lên, nâng dần tỷ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm tồn tại trong công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đó là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp cũng như chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc tại nước ngoài. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, cần phải đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Điều này được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc.

Đề cập về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc ở nước ngoài, trong một phiên họp Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Theo đó, sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có chính sách đào tạo lại lao động (về ngoại ngữ, tay nghề, kiến thức cơ bản về luật của nước sở tại và ý thức tổ chức kỷ luật...) nhằm nâng cao chất lượng lao động.

Song song với các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực xuất khẩu lao động, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, sẽ triển khai một số công việc như kiểm tra, rà soát toàn diện, cụ thể hoạt động xuất khẩu lao động, từ địa phương đến doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động để có giải pháp xử lý những vi phạm trong xuất khẩu lao động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người lao động thấy được các lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động, trong đó có mục tiêu tổng quát đối với từng người lao động là đi làm thuê hôm nay ở nước ngoài để trở thành người chủ khi trở về nước trong tương lai.