Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn

Nhiều doanh nghiệp lớn đến từ Mỹ tìm cách hợp tác đầu tư, rót tiền trực tiếp cũng như gián tiếp vào các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam. Bất chấp hàng loạt điều kiện bất lợi trong nước và thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang từng bước trở nên “béo bở”, cuộc chiến tranh giành thị phần cũng ngày càng cam go.
0:00 / 0:00
0:00
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ảnh: NAM ANH
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ảnh: NAM ANH

Thêm nhà đầu tư nước ngoài rót tiền

Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố, Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD - đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào doanh nghiệp này, với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng.

Giao dịch trên là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi, được phát hành với giá 85.000 đồng và sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định là 0% trong 5 năm đầu. Kể từ năm thứ sáu, mức cổ tức cố định là 10% mỗi năm. Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các cổ phần ưu đãi này sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Cũng mới đây, nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Walmart cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam cho sáu lĩnh vực gồm quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng; đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Ông Avaneesh Gupta, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Walmart, mong muốn kết nối, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại điện tử của tập đoàn này với khoảng 120 triệu người dùng. Nếu trở thành đối tác cung ứng của Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới này sẽ có các khoản đầu tư với các nhà đầu tư, tận dụng hệ sinh thái tại địa phương, tiếp cận thị trường dựa trên dữ liệu nguồn cung.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group cho biết, Masan đặt mục tiêu lợi nhuận gia tăng gấp nhiều lần trong “thời điểm vàng” của câu chuyện tiêu dùng tại Việt Nam. Giao dịch hợp tác cùng Bain Capital là sự ghi nhận nỗ lực của Masan trong thời gian qua. Ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital cho biết, hợp tác với Masan là dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng hằng năm dự kiến là 7,7% cho giai đoạn 2022-2040. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng với thu nhập ngày càng cao hơn, nhu cầu đa dạng hơn.

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong nước

Hiện, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước. Ngành bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, quy mô của kênh bán lẻ hiện đại đang còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khá cao như: Thailand 48%, Philippines 75% và Singapore 80%...

Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát gia tăng, thu nhập của người dân sụt giảm, xu hướng cắt giảm chi tiêu diễn ra từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước...

Tiềm năng của thị trường bán lẻ đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài “dòm ngó” từ lâu. Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thailand, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những cái tên như: Aeon (Nhật Bản), Central Retail (Thailand)… Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và một số nhà đầu tư Thailand đang muốn mua 20% cổ phần của chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ ba Việt Nam - chuỗi Bách Hóa Xanh với định giá khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD. Thương vụ gần đến giai đoạn cuối và dự kiến sẽ sớm kết thúc, có thể trong quý I/2024.

Sự xuất hiện của các “ông lớn” đến từ Mỹ, sẵn sàng rót tiền khủng để thâm nhập thị trường bán lẻ là cơ hội, đồng thời là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Liệu đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ bị thua trên chính sân nhà?

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định: Việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây nên sức ép nhất định đến “miếng bánh” thị phần cho doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp FDI có lợi thế về năng lực cạnh tranh, về quy mô. Họ có lợi thế chuỗi liên kết toàn cầu với các nhà sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ, năng lực yếu; đồng thời gánh các chi phí từ logistics, thuê mặt bằng cao.

Nếu để nhìn nhận một cách khách quan, các doanh nghiệp nội đang ngày càng lép vế trên sân nhà. Một thí dụ điển hình là Aeonmall, năm 2014 họ mới mở một trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến hiện tại, họ đã trở thành một trong những nhà bán lẻ tốp đầu ở Việt Nam, với các trung tâm thương mại lớn tại hầu hết các thành phố phát triển trong nước.

Khó khăn bộn bề nhưng không có nghĩa là không lối thoát. Với lợi thế sân nhà, các doanh nghiệp nội vẫn có một số mặt mạnh có thể cạnh tranh. Có hệ thống cung ứng ổn định, trải đều khắp cả nước, đặc biệt các doanh nghiệp nội thường nắm bắt được người tiêu dùng tốt hơn các “vị khách” đến từ bên ngoài. Sự sinh sau đẻ muộn của các doanh nghiệp nội đôi khi lại trở thành ưu thế. Những người đi sau luôn có thể học hỏi từ những người đi trước, tránh những thất bại và học hỏi được kinh nghiệm mới…

Theo ông Vũ Vinh Phú cho hay: Nếu tận dụng tốt các ưu thế sẵn có, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp nội có hy vọng chiếm lĩnh phần lớn “chiếc bánh thị trường bán lẻ Việt Nam”.