Thí điểm xe điện kết nối xe BRT

Dự kiến đầu quý III - 2021, TP Hà Nội sẽ thí điểm mô hình xe điện hai bánh miễn phí kết nối xe bus và BRT nhằm hạn chế ùn tắc, đồng thời khuyến khích phát triển phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Xe đạp điện trợ lực của Công ty QIQ Việt Nam.
Xe đạp điện trợ lực của Công ty QIQ Việt Nam.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, khu vực thí điểm là từ Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông đến nhà chờ tuyến bus nhanh BRT Văn Khê, cũng là điểm đỗ của một số tuyến bus thường. Thời gian thí điểm đến hết năm 2023, sau đó sẽ đánh giá lại để nhân rộng toàn thành phố. Việc thí điểm xe điện hai bánh kết nối các phương tiện công cộng khác không những giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, mà còn giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, Trường đại học Công nghệ GTVT (đơn vị được giao thực hiện) đã hợp tác với Công ty CP QIQ phát triển phần mềm quản lý xe đáp ứng yêu cầu của dự án. Hệ thống này sẽ được sử dụng để cung cấp tất cả chức năng cần thiết cho mô hình chia sẻ xe điện, bao gồm theo dõi tình trạng pin cho xe và tăng báo động trong trường hợp có vấn đề phát sinh. Ở giai đoạn thí điểm, sẽ có hai loại xe được đưa vào sử dụng gồm xe máy điện và xe đạp điện trợ lực. Trong đó, có 50 xe PCX điện của Công ty Honda Việt Nam và 10 xe đạp điện trợ lực của Công ty QIQ Việt Nam. 50 xe điện hai bánh này sẽ được bố trí ở hai điểm đầu - cuối là nhà chờ bus nhanh BRT điểm Văn Khê (Hà Đông) và Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (quãng đường giữa hai điểm khoảng chừng 2 km).

Theo đó, hành khách đến Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông nếu có nhu cầu sử dụng có thể cài đặt app trên điện thoại, sau đó khai báo thông tin cá nhân. Khi được chấp nhận sẽ mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ bus nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón bus BRT. Quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông cũng như vậy. Với những người sử dụng phương tiện cá nhân, có thể gửi xe của mình tại hai điểm đầu - cuối rồi mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra điểm đón xe bus thường hoặc bus BRT.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong thời gian thí điểm, người dân không phải trả phí dịch vụ, được miễn phí sử dụng hoàn toàn phương tiện. Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và hỗ trợ của các cơ quan tham gia thực hiện phương án thí điểm.

Được biết, nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, dự kiến từ quý II - 2021, TP Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến bus mở mới sử dụng xe bus điện, gồm tuyến Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park - Sân bay Nội Bài. 

Hiện, Sở GTVT đang phối hợp Tổng công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân theo vùng phục vụ để nâng cấp, phục vụ các tuyến xe bus ngày một tốt hơn.