Xây dựng theo công nghệ bán tự động
Phương án xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép từng được các nhà đầu tư đề xuất vào năm 2017, sau khi một số bãi đậu tương tự do các doanh nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả như công trình ở số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (sức chứa 2.800 ô-tô, xe máy); đường Cô Giang, quận 1 (2.000 chỗ cho ô-tô và xe máy); bãi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ô-tô, xe máy, xe đạp). Thế nhưng, thời điểm đó, lãnh đạo thành phố lo ngại ùn tắc gia tăng, làm giảm không gian công cộng của người dân. Năm 2018, chính quyền chấp thuận cho ô-tô đậu và triển khai thu phí ở hơn 20 tuyến đường các Quận 1, 5, 10. Nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đậu xe ở trung tâm.
Trong khi ngành giao thông vẫn loay hoay với các phương án thì bốn dự án bãi xe ngầm được quy hoạch ở Quận 1, gồm Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, với sức chứa khoảng 6.300 ô-tô, 4.000 xe máy, vẫn “án binh bất động” hơn 10 năm qua.
Theo quy hoạch, khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (rộng 930 ha) sẽ có bốn bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng chưa dự án nào được triển khai do nhiều vướng mắc. Hiện, số bãi đậu xe chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu. Do không có bãi giữ xe nên vỉa hè, lòng đường của một số tuyến đường đã được tận dụng làm nơi đỗ xe có thu phí.
Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải thành phố vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đề nghị rà soát trong phạm vi quản lý các vị trí đất do nhà nước quản lý phù hợp nhằm xây dựng có thời hạn công trình để xe công cộng lắp ghép thông minh.
Sau thời gian rà soát, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã đề xuất làm công trình để xe cao tầng bán tự động tại bốn khu đất, gồm: Theo đó, vị trí thứ nhất có diện tích khoảng 348 m2 là một phần lòng đường Lê Lai, đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến Nguyễn Thị Nghĩa (Quận 1), đang tổ chức đỗ xe có thu phí. Bãi xe dự kiến có quy mô bốn khối ô-tô (dạng xoay) cao 16,5 m với sức chứa 48 xe dưới 9 chỗ.Vị trí thứ hai, diện tích khoảng 427 m2 là một phần đất trước công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến Điện Biên Phủ, đang tổ chức đỗ xe có thu phí. Khu vực này dự kiến xây dựng 9 khối ô-tô (dạng xoay) cao 21 m, sức chứa 144 xe dưới 9 chỗ. Vị trí thứ ba khoảng 312 m2 là một phần trong Bến xe Chợ Lớn (Quận 5). Công trình dự kiến có bốn khối ô-tô (dạng xoay) cao 21 m, sức chứa 64 xe dưới 9 chỗ và hai khối xe hai bánh cao 21 m, chứa 200 xe. Vị trí thứ tư khoảng 468 m2 là một phần lòng đường Hải Thượng Lãn Ông (gần chợ Kim Biên, Quận 5), dự kiến xây 6 khối ô-tô cao 21 m, sức chứa 94 xe dưới 9 chỗ.
Nghị quyết 98 sẽ là chất xúc tác
Tính đến tháng 6 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý gần 9 triệu phương tiện (gồm 913.994 ô-tô và hơn 8 triệu mô-tô). So cùng kỳ năm 2022, tổng số phương tiện tăng 3,36%. Trong sáu tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi ngày có khoảng 135 ô-tô và 598 mô-tô đăng ký mới. Trong khi đó, hệ thống bến bãi hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020. Nếu tính trung bình, mỗi bãi đậu xe nổi có diện tích khoảng từ 400 đến 1.000 m2 thì để đáp ứng đủ nhu cầu theo quy hoạch, thành phố cần thêm khoảng từ 10 nghìn đến 15 nghìn bãi đậu xe.
TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch giao thông đô thị cho rằng, thành phố cần tính toán lại thật kỹ tính khả thi của các bãi đậu xe ngầm bởi chi phí làm cao hơn nhiều so làm các nhà gửi xe nổi. Do vậy làm bãi xe nổi theo dạng lắp ghép thông minh là lựa chọn khả thi.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng hạ tầng giao thông, mô hình bãi xe lắp ghép đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Đặc biệt, mới đây, Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành cho phép thành phố được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do nhà nước quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai thí điểm các bãi đậu xe lắp ghép gọn gàng, hiệu quả.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho hay, trước mắt, Sở đề xuất xây dựng bãi đậu xe lắp ghép theo công nghệ bán tự động trong thời gian sử dụng trong 5 năm. “Hiện nay, công trình để xe lắp ghép thông minh trên thế giới được chia làm hệ thống tự động và bán tự động. So sánh hai hệ thống này, chúng tôi nhận thấy, việc xây bãi xe cao tầng lắp ghép bán tự động có chi phí đầu tư thấp, công nghệ quản lý không phức tạp; thời gian thi công lắp đặt, tháo dỡ ngắn, diện tích chiếm dụng nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh và chi phí bảo hành, bảo trì thấp. Song song đó Sở sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi, đặc biệt nghiên cứu, đầu tư các bến xe mang tính khả thi, thay vì bến xe ngầm thì đầu tư bến xe nổi hoặc bãi đậu xe lắp ghép thông minh”.