Hy Lạp chào đón lao động Việt Nam
Sáng 8/8, tại Hà Nội, ông Christos Giannakakis, Phó Chủ tịch Liên minh HTX nông nghiệp quốc gia Hy Lạp và ông Moschos Korasidis, Tổng Giám đốc Liên minh HTX nông nghiệp quốc gia Hy Lạp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam nhằm trao đổi về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện Hy Lạp thiếu nhân lực trong nhiều lĩnh vực (60.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến; 50.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng và 50.000 lao động trong lĩnh vực du lịch). Hy Lạp mới chỉ tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài khối Liên minh châu Âu (EU) vào làm việc trong các ngành, nghề như: Nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, xây dựng, may mặc, khách sạn, nhà hàng và giúp việc trong gia đình.
“Tại chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía Bộ LĐ-TB&XH nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong quá trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hy Lạp. Bằng cách đó, hai bên sẽ loại trừ được những rủi ro liên quan đến môi giới lao động bất hợp pháp. Phía Hy Lạp cũng bảo đảm khi lao động Việt Nam sang làm việc tại Hy Lạp sẽ được tạo điều kiện về cơ sở, vật chất tốt nhất để yên tâm làm việc”, ông Christos Giannakakis chia sẻ.
Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, với nhu cầu lớn về lao động, hai bên có thể nghiên cứu theo hướng giữa Liên minh HTX nông nghiệp quốc gia Hy Lạp và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ ký kết Thỏa thuận khung hợp tác về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem như là một thỏa thuận nhỏ trong thỏa thuận tổng thể về hợp tác lao động giữa Chính phủ hai nước.
Từ tháng 7/2023, phía Việt Nam đã cho phép ba doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lao động (mỗi doanh nghiệp được phép chuẩn bị nguồn 50 lao động) để đưa sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch nông sản và chế biến nông sản) tại Hy Lạp.
Ba công ty này được chuẩn bị nguồn theo Hợp đồng cung ứng đã ký với đối tác Liên minh Hợp tác nông nghiệp quốc gia Hy Lạp (Etheas) để cung ứng lao động đi làm việc tại Công ty Berryplasma World LLC, Hy Lạp. Số lượng lao động chuẩn bị là 150 người, độ tuổi 20-45, mỗi công ty 50 lao động. Người lao động được tuyển chọn sẽ làm việc trong ngành nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản) với thời hạn hợp đồng lao động hai năm. Thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, với mức lương cơ bản là 803 euro/tháng.
Người sử dụng lao động sẽ chi trả vé máy bay từ Việt Nam đến Hy Lạp và từ Hy Lạp về Việt Nam sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng lao động. Về kỹ năng nghề, ba công ty dự kiến không tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động (tuyển lao động ngành nông nghiệp đã có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề). Về ngoại ngữ, ba công ty dự kiến tự tổ chức đào tạo tiếng Anh cho những lao động chưa có hoặc có trình độ tiếng Anh chưa cơ bản và không thu học phí, tiền lưu trú của người lao động trong thời gian tham gia khóa học. Thời gian chuẩn bị nguồn là từ tháng 7 đến 9/2023.
Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, ba công ty nêu trên không được thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động trước khi Hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và người lao động đã ký hợp đồng đi làm việc tại Hy Lạp. Mức thu nhập của người lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Hy Lạp khoảng 700 - 800 euro/tháng (sau khi trừ các loại thuế). Người lao động nước ngoài đến Hy Lạp làm việc theo diện visa D (visa dài hạn từ ba tháng trở lên đến 12 tháng và có thể gia hạn tại chỗ không quá 5 năm).
Lợi thế du học nghề
Cũng trong ngày 8/8, Hội thảo “Di cư lao động châu Âu và Cơ hội cho lao động Việt Nam” đã được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho các cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm căn cứ trong điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Năm 2023, mục tiêu của Việt Nam đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, mục tiêu hướng đến là tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống và mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là thị trường Đức trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong sáu tháng đầu năm 2023, cả nước đã đưa 72.294 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó có 25.093 lao động nữ), đạt 65,7% kế hoạch năm và gấp hơn 1,55 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về cơ hội cho lao động Việt tại thị trường Đức và châu Âu, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, nhiều lao động trẻ Việt Nam đã tham gia chương trình du học nghề. Rất nhiều người đã tốt nghiệp ra trường, được ký hợp đồng làm việc chính thức, được hưởng mức lương cao. Để giữ chân người lao động, Đức đưa ra chính sách có thể ký hợp đồng làm việc không thời hạn, được định cư và bảo lãnh người thân khi đáp ứng được các yêu cầu của Đức, giúp người lao động ổn định và phát triển sự nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu này.
“Di cư lao động trong thời gian tới hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo sáu tháng trở lên, nâng dần tỷ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản”, ông Liêm nhấn mạnh.
“Có một thực trạng là, phần lớn số học sinh, sinh viên trường nghề chỉ thích học nghề và giỏi nghề nhưng ngoại ngữ lại không được. Nhưng muốn du học nghề, các em phải đạt trình độ ngoại ngữ. Một trong những cách đạt trình độ ngoại ngữ mong muốn là tìm học ở những trung tâm đào tạo ngoại ngữ uy tín, dành cho các em”, ông Trần Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP GHW Hà Nội thông tin.
Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tại Đức, những ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề gồm: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ hai đến ba năm theo hệ thống đào tạo nghề kép, 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại doanh nghiệp... để khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc ở doanh nghiệp mình được đào tạo thực hành. Đây là mô hình đào tạo nghề kép của Đức nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh du học nghề, công nhận trình độ, văn bằng một phần hay toàn phần những ngành nghề mà Đức cho phép cũng đang là điểm nhấn của thị trường lao động rộng lớn này. Những cử nhân điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, xây dựng cũng có thể có cơ hội làm việc tại Đức sau khi trình độ, văn bằng được công nhận tương đương toàn phần. Những người có văn bằng, trình độ được công nhận tương đương một phần thì mới phải học bổ sung để được công nhận tương đương toàn phần theo yêu cầu của Đức để đủ tiêu chuẩn đầu ra, đủ điều kiện làm việc. Tất nhiên, tiếng Đức vẫn là yêu cầu cao nhất đối với người lao động nước ngoài muốn làm việc tại quốc gia này.
Ba doanh nghiệp được phép đưa lao động sang làm việc tại Hy Lạp gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO (CIP.CO HR); Công ty CP Đầu tư & phát triển thương mại BBC Group (BBC Group., Jsc) và Công ty CP phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp). Các doanh nghiệp được chấp thuận chuẩn bị nguồn, chấp thuận đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động sẽ được thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước để người lao động chủ động đăng ký tham gia, bảo đảm đúng doanh nghiệp, đúng địa chỉ tuyển chọn; chủ động phòng ngừa các đối tượng trung gian, môi giới bất hợp pháp.