Thêm đóng góp vào Luật Thủ đô sửa đổi

Quá trình tiếp thu, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện tinh thần cầu thị, cẩn trọng ở mức cao của các cơ quan liên quan. Sự kỳ vọng đang lớn dần theo những quan điểm mới, có tính thực tiễn cao đóng góp vào Luật.
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Trải qua hơn 10 năm thi hành, một số nội dung của Luật đã bộc lộ những hạn chế. Việc xây dựng hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trở nên cấp thiết. Mục tiêu đặt ra phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá… trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô. Từ đó đưa Thủ đô trở thành vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Trên tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật (UBPL) và các cơ quan đã thống nhất nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều). Tuy nhiên quá trình tiếp thu, chỉnh lý vẫn đang tiếp tục thực hiện, hướng tới mục tiêu hoàn thiện dự thảo Luật ở mức cao nhất.

Tổ chức chính quyền đô thị

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực UBPL và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND Thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường. Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền Thành phố Hà Nội (Điều 9), Thường trực UBPL và Thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND Thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Ủy ban Thường vụ QH cơ bản tán thành với những nội dung tiếp thu, chỉnh lý nêu trên. Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể ngay trong Luật về việc thành lập thêm cơ quan mới đặc thù (tương tự như Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định chỉ thành lập Sở An toàn thực phẩm) hoặc chỉ giới hạn nội dung phân quyền cho HĐND Thành phố Hà Nội trong việc quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, cơ quan hành chính đặc thù của UBND khác quy định hiện hành để hạn chế ảnh hưởng đến tính liên thông, thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lần thứ 5 ngày 26/3/2024, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cũng cần quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ. Đồng thời, theo đại biểu, việc có khung tối đa cơ quan chuyên môn của Thành phố Hà Nội sẽ tránh trường hợp tùy tiện trong thành lập cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tránh lạm dụng trên thực tiễn thực thi, đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định. “Nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật và cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan, tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách…”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đề xuất.

Thêm đóng góp vào Luật Thủ đô sửa đổi ảnh 1

Một góc Thủ đô. Ảnh: BẮC SƠN

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để Thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm. Quy định như vậy là phù hợp yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để Thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thật sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, Ủy ban Thường vụ đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn, thí dụ như chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, do đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng.

Mặc dù tán thành, tuy nhiên các ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị, nội dung quy định tại dự thảo cần được rà soát kỹ lưỡng. Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đề xuất, cần sửa quy định tại Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, phạm vi quy định như dự thảo Luật còn tương đối rộng. Do đó, đại biểu đề nghị, có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng lưu ý, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm, do vậy nên rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này. Ngoài ra, trong quy định tại Điều 25, phần kiểm soát lại quy định quá chặt, dẫn tới rất khó thử nghiệm. “Như khoản 7 Điều 25 thì chắc khó có doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm”, đại biểu Trịnh Xuân An dẫn chứng.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đề nghị làm rõ hơn những quy định liên quan đến việc tạm dừng và đình chỉ thử nghiệm, bởi nếu không làm rõ dễ dẫn đến hậu quả pháp lý gây ảnh hưởng lớn đến đơn vị đề xuất thí điểm, thử nghiệm.