BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thầy thuốc quân hàm xanh của đồng bào biên giới

Dẫu anh không mang trên mình áo blu trắng, vậy nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên giới tỉnh Điện Biên luôn coi Thiếu tá Nguyễn Đức Diện ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn là thầy thuốc tâm phúc của bản làng. Nhờ sự tận tình khuyên giải, chăm sóc của Thiếu tá Nguyễn Đức Diện mà hàng trăm người là con em các dân tộc Hà Nhì, H’Mông các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã cai nghiện thành công; nhiều người được Thiếu tá Nguyễn Đức Diện chăm sóc, cứu chữa thoát “cửa tử” tưởng như đã cận kề...!
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tá Nguyễn Đức Diện về từng bản thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Thiếu tá Nguyễn Đức Diện về từng bản thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

1/Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có tên là xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 20 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Đức Diện nhận giấy báo nhập học của Trường đại học Thể dục - Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), ấy vậy mà những câu chuyện về vùng cao biên giới lại thôi thúc anh lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn anh đi, mẹ hiền khóc ngất; mấy đứa em thơ thì níu áo ôm chân, nhưng chí trai đã quyết, anh lên đường với bầu nhiệt huyết tràn đầy trong lồng ngực và khát khao cháy bỏng được góp sức giữ biên cương…

Ngày ấy, một ngày đầu xuân năm 1992, về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), Nguyễn Đức Diện đã vô cùng háo hức khi được phân công về Đồn Biên phòng Mường Nhé. Tìm mỏi mắt trên bản đồ hành chính tỉnh Lai Châu (cũ) không thấy địa danh Mường Nhé, Diện liền hỏi các chú, các anh thì mọi người mới ngớ ra vì bản đồ chưa có địa danh Mường Nhé mà chỉ có huyện Mường Tè. Thế rồi, các chú nói sơ lược và chỉ đường đi vào đồn Mường Nhé theo hai cách để Diện tự lựa chọn. Một là, đi ô-tô khách từ thị xã Lai Châu qua cầu Lai Hà vào trung tâm huyện Mường Tè hết 100 cây số, sau đó đi bộ từ trung tâm huyện về đồn hết chừng 100 cây số nữa. Cách thứ hai là đi xe khách từ thị xã Lai Châu đến Km0 (đoạn giao nhau giữa quốc lộ 12 với quốc lộ 4H), sau đó đi bộ vào đồn với quãng đường khoảng 150 cây số. Những tưởng các chú nói đùa, Diện hăm hở lên đường, nhưng tới khi bắt đầu đoạn đường bộ từ trung tâm huyện Mường Tè vào thì Diện mới tin lời các chú là thật.

Miệt mài bước trên con đường gập ghềnh sỏi đá, vượt qua rất nhiều thác, ghềnh sau hai ngày Diện cũng đến nơi đặt bản doanh của Đồn Biên phòng Mường Nhé. Khác hoàn toàn với hình dung của anh, đồn là mấy dãy nhà đơn sơ nằm giữa cánh rừng già xanh mướt mải. Cách đồn vài cây số là các bản của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Si La; xa hơn nữa trên các cánh rừng là những mái nhà lụp xụp của bà con dân tộc H’Mông vừa di cư đến. Chẳng buồn vì cảnh vắng người heo hút, trái tim chàng thanh niên Nguyễn Đức Diện lại trào dâng niềm thương cảm, sẻ chia với cuộc sống cơ cực đói nghèo của bà con các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.

2/Những ngày sau, chẳng đợi chỉ huy đồn phân công hay giao việc, cứ mỗi chiều cùng đồng đội hoàn thành việc tại đơn vị Nguyễn Đức Diện lại về từng nhà ở các bản: Chung Chải, Nậm Sin, Nậm Vì, Leng Su Sìn, Tả Ko Khừ, A Pa Chải, Tá Miếu thăm hỏi người già, nói chuyện với trẻ nhỏ; nhà nào có việc gì anh cũng xắn tay làm cùng tới khi xong việc mới thôi. Cứ như thế, mỗi ngày mỗi ngày qua, bà con nhân dân các bản ở vùng biên cực Tây dần quen với sự có mặt của chàng lính biên phòng ấy. Coi anh như con cháu trong nhà, ngày nào không nghe tiếng anh thì người già lại hỏi “Nay bộ đội Diện bận việc đồn à?”, “Không có bộ đội Diện nhà vắng quá…”!

Nhận về những tình cảm, quý mến, sự tin tưởng của bà con nơi biên giới, Nguyễn Đức Diện lại trăn trở nhiều hơn khi ngày ngày chứng kiến cảnh đàn ông đàn bà, người già người trẻ nằm dài hút thuốc phiện. Nhà có người ốm đau, bệnh nặng người ta chỉ lo giết lợn, mổ gà làm lý chứ không tin cái thuốc của bộ đội chữa được bệnh. Có lần chứng kiến cảnh một cháu bé bị rắn độc cắn phát tán tím tái toàn thân mà người nhà cứ lầm rầm cúng thì trái tim chàng lính quân y Nguyễn Đức Diện buốt nhói. Bởi anh biết rất rõ, chỉ vài giờ nữa thôi, cháu bé kia sẽ rời xa dương thế. Thương cháu bé bao nhiêu, Nguyễn Đức Diện trách mình bấy nhiêu; trách bản thân không đủ lý lẽ không thể thuyết phục những người anh thương quý đổi thay.

Hiểu những trăn trở đè nặng trong lòng Diện, đồng chí Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn đã chủ động đặt vấn đề với chỉ huy đồn và cán bộ Diện về kế hoạch vận động người nghiện cai thuốc và tuyên truyền để người dân đi khám bệnh, uống thuốc trị bệnh thay vì làm lý cúng triền miên. “Nghe lời ấy từ đồng chí Sừng Sừng Khai, tôi đã như người cùng đường tìm được đường mới. Vì vận động người nghiện cai thuốc và vận động bà con uống thuốc chữa bệnh ở thời điểm năm 1992-1994 là điều vô cùng khó. Song có lãnh đạo là người Hà Nhì lại là người có uy tín với dân bản ủng hộ thì cá nhân tôi đã thấy trở ngại vơi nhiều rồi” - Thiếu tá Nguyễn Đức Diện kể lại tường tận suy nghĩ ấy.

Cuối năm 1992, đợt cai nghiện đầu tiên cho người dân các xã Chung Chải, Leng Su Sìn được thực hiện ngay tại UBND xã. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhé, cán bộ xã Chung Chải và nhiều giáo viên cắm bản được huy động hỗ trợ bộ đội biên phòng cai nghiện cho bà con. Theo sự phân công của quân y đồn biên phòng thì mỗi người một công một việc, vậy nhưng bộ đội Diện cứ luôn tay, luôn chân. Bắt đầu từ phát thuốc, giám sát người nghiện uống thuốc đến khi người nghiện vật vã thì bộ đội Diện lại gồng mình giữ người nghiện thậm chí bị họ đấm cho tối sầm mặt mũi... Bộ đội, giáo viên vất vả là thế vậy mà cứ hoàn thành đợt cai trở về nhà thì người ta lại tái nghiện tới mức mà “10 người cai có 8 người tái nghiện”. Nhưng anh không nản. Anh vẫn dành thời gian về các gia đình có người nghiện vận động đi cai; người già được anh đến tận nhà thăm hỏi, cấp thuốc; người trẻ được anh đón về đồn chăm sóc từng li từng tí như chăm sóc các em của mình... Rồi sự tận tình, nhẫn nại của anh đã cảm hóa từng người nghiện để họ có thêm động lực từ bỏ khói trắng “nàng tiên nâu”. Tổng kết chiến dịch vận động người nghiện bỏ thuốc, từ năm 1992 đến hết năm 1995 anh Diện cùng các đồng chí cán bộ xã, y tế địa phương đã cai nghiện thành công cho 318 người. Đây thật sự là một nỗ lực không nhỏ của chàng thanh niên Nguyễn Đức Diện đã góp sức đem lại “cuộc sống mới” cho hàng trăm con người ở hàng trăm gia đình và mang lại sự bình yên cho dải đất ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

3/Tin lời bộ đội Diện nói, tin cách bộ đội Diện làm, dần dần bà con các dân tộc Hà Nhì, Si La, H’Mông ở các xã đã đồng ý cho bộ đội Diện khám bệnh, cấp thuốc. Nhà có người ốm đau bà con vẫn làm lý nhưng chỉ gói gọn trong ngày rồi lại nhờ bộ đội Diện về khám cho thuốc uống chứ không làm lý ngày này sang ngày khác như trước nữa. Bản thân dù mới học cao đẳng y tế và qua một số khóa tập huấn ngắn hạn, song Thiếu tá Nguyễn Đức Diện vẫn luôn khám, điều trị đủ các bệnh cho bà con. Nhẹ là hắt hơi sổ mũi, nặng là gãy chân, gãy tay và anh còn thường xuyên cấp cứu đỡ đẻ... các ca khó. Nhắc chuyện đỡ đẻ, Thiếu tá Nguyễn Đức Diện nhớ như in chuyến đi nửa đêm cứu vợ và con ông Chang Chang Phù. Thiếu tá Diện kể, hồi ấy năm 2001, vợ ông Chang Chang Phù ở bản Leng Su Sìn chuyển dạ sinh từ đầu giờ chiều, mãi đến 1 giờ đêm người nhà mới lôi được một cánh tay của đứa bé ra ngoài. Người nhà ông Phù sợ quá liền chạy ra đồn gọi bộ đội Diện, lúc tôi đến nhà ông Phù thì sản phụ đã tím tái toàn thân, người nhà gào khóc trong tuyệt vọng. Nhưng rồi sau gần một giờ đồng hồ hối hả vào cuộc, tôi đã hỗ trợ sản phụ mẹ tròn con vuông. Một công dân mới của Leng Su Sìn chào đời trong tiếng khóc òa của cả dòng họ và dân bản. Đêm hôm ấy, bản Leng Su Sìn không ngủ; có cụ già cười khoái trí, nói: “Ta đã bảo mà, có bộ đội Diện đến là con ma rừng sợ ngay! Bộ đội Diện giỏi lắm, giỏi lắm”!

Cũng bởi tâm niệm bộ đội Diện “đuổi cái bệnh” giỏi lắm, mà bây giờ khi internet đã về xã, khi trạm y tế xã được trang bị khá nhiều máy móc khám chữa bệnh hiện đại thì bà con vẫn chỉ yên tâm khi đau ốm được bộ đội Diện thăm khám. Mới hôm qua thôi, hai bản là A Di và Leng Su Sìn có hàng chục người bị cảm ốm do chuyển mùa thì bà con vẫn cứ nhất quyết đợi bộ đội Diện. Hỏi sao không đi trạm xá khám, ông Sừng Chừ Cà ở bản A Di liền nói: “Quen người quen tính nhau rồi. Tôi ưng cái bộ đội Diện khám, bộ đội Diện cho thuốc uống; được bộ đội Diện cắm cái kim truyền thì người ốm mới yên tâm”!

Cùng Thiếu tá Nguyễn Đức Diện đến thăm bà Vàng Chờ De, bà Lỳ Phì De, ông Sừng Cà Sừ, ông Lỳ Sì Pò... là những người đã từng được anh chăm sóc, điều trị khỏi mấy lần ốm “thập tử nhất sinh” thì tôi hiểu hơn tình cảm của anh dành cho đồng bào vùng cao biên giới. Vượt trên cả thời gian, không gian, chính sự tận tụy của anh - người lính quân hàm xanh đã khắc đậm niềm tin trong trái tim người dân nơi biên cương Tổ quốc...