Thay đổi thói quen từ xe đạp công cộng

Gần hai tháng kể từ khi ra mắt, xe đạp công cộng được nhiều người dân quan tâm và sử dụng do đáp ứng hai yêu cầu thiết yếu: tiện lợi và tiết kiệm. Nhiều bạn trẻ đã có những thay đổi thói quen tích cực sau thời gian trải nghiệm xe đạp công cộng tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm thuê xe đạp đặt cạnh Nhà hát Lớn. Ảnh: NGỌC THÀNH
Điểm thuê xe đạp đặt cạnh Nhà hát Lớn. Ảnh: NGỌC THÀNH

1/Dọc các con phố lớn tại Hà Nội, không khó để chúng ta bắt gặp những trạm xe đạp điện hai bên đường. Tính đến nay, đã có gần 80 trạm xe được phân bố rải rác khắp thành phố với hơn 1.000 xe điện, xe đạp điện cho thuê. Chỉ riêng dọc đường Võ Chí Công, đã có đến ba trạm xe được xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Chính vì sự tiện lợi này nên ngay từ khi ra mắt, nhu cầu sử dụng xe đạp công cộng tăng đáng kể. Theo quan sát của phóng viên, sau 8 giờ sáng, một số những trạm xe dọc các đường Võ Chí Công, Phan Đình Phùng, Đào Tấn... đều được sử dụng hết.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (34 tuổi) cho biết: “Trạm cách nhà tôi 500 m, cơ quan tôi ở phố Quán Thánh, cũng có ngay một trạm xe ở cổng, rất thuận tiện nên tôi chọn đi xe đạp công cộng đến công ty, phần vì tiện lợi, phần vì muốn tranh thủ thời gian di chuyển để rèn luyện sức khỏe”.

Chị Nguyễn Mai Hoa (23 tuổi), nhân viên văn phòng chia sẻ, từ khi có dịch vụ xe đạp công cộng, chị đã có nhiều thay đổi trong thói quen sinh hoạt, cụ thể là sử dụng xe đạp nhiều hơn để di chuyển. “Khi chưa có thói quen đạp xe, tôi thường ngủ dậy muộn và hay trễ làm, tuy nhiên để thay đổi thói quen, tôi đã cố gắng dậy sớm đạp xe đến công ty. Việc này giúp tôi có nhiều thời gian hơn vào buổi sáng, phần nữa tôi cũng giảm căng thẳng vì khi đạp xe, tôi có thời gian hơn đi nghỉ ngơi, sáng tạo trong công việc mà không bị cảnh kẹt xe làm gián đoạn”.

2/Bên cạnh tính tiện lợi, xe đạp công cộng còn giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí, 10.000 đồng để thuê một chiếc xe trợ lực điện và 5.000 đồng cho xe đạp trong vòng 30 phút. Nhiều bạn sinh viên lựa chọn xe đạp công cộng để đi học, đi chơi, dạo phố. Bạn Nam (sinh viên năm thứ 3) chia sẻ: “Trước đây, mỗi dịp cuối tuần em đều cùng các bạn đạp một vòng hồ Tây, lúc đó chi phí thuê xe đạp của em rơi vào khoảng 200.000 đồng cho ba tiếng, xe đạp công cộng giúp em tiết kiệm nhiều chi phí hơn, cộng thêm trạm sạc nhiều nên khi mệt hay có việc đột xuất, em có thể đến trạm gần nhất để trả xe mà không cần quay lại tiệm để trả như trước đây”.

Không chỉ riêng sinh viên, nhiều người lớn tuổi cũng lựa chọn xe điện công cộng để làm phương tiện di chuyển. Cô Phạm Yến, năm nay đã hơn 60 tuổi, không biết đi xe máy nên khi cần đi đâu, cô đều gọi cháu nội của mình chở đi. Khi có dịch vụ này, cô đã có thể tự đi xe điện, chủ động việc đi lại của mình.

Bên cạnh việc tiện lợi, vấn đề bảo vệ môi trường cũng được nhiều người hết sức quan tâm. Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), trong sáu nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô-tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải ra môi trường. Xe đạp công cộng dần dần đi sâu vào thói quen của người dân là tín hiệu tích cực cho thấy rằng, người dân đang ngày càng nhận thức rõ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thay đổi các thói quen “xanh” không chỉ giúp thành phố trở nên “sạch” hơn mà còn tạo nên một lối sống tích cực, thân thiện với môi trường của người dân Thủ đô.

Chị Đinh Thị Mai (Ba Đình) chia sẻ: “Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nên từ khi có dịch vụ này tôi đã cố gắng di chuyển bằng xe đạp nhiều nhất có thể, hành động tuy nhỏ nhưng nhiều người cùng làm thì sẽ tạo ra một kết quả lớn”.