Sạt lở “treo” lơ lửng trên đầu người dân
Mỏ than Minh Tiến nằm ở lưng chừng núi Hồng. Để khai thác than phải bóc, dỡ lượng đất, đá rất lớn, nên hai năm gần đây Công ty CP Yên Phước đã tùy tiện đổ thải trên đất, rừng sản xuất của một số hộ dân ở xóm Ao Soi, xã Na Mao. Lượng đất, đá rất lớn đổ lên đất và rừng của người dân đã làm cho sườn núi nứt toác, sụt lún lớn, có những hố sụt lún sâu năm - bảy mét, có thể “nuốt” cả gian nhà. Vết nứt rộng cả mét chạy dài trên sườn núi, có thể ụp xuống bốn hộ dân ở phía dưới bất cứ lúc nào.
Nhà cửa, vườn tược của gia đình ông Lương Văn Xuân và ba gia đình khác ở xóm Ao Soi, xã Na Mao nằm ngay phía dưới chân bãi thải. Thấy những vết nứt xuất hiện ngày càng lớn, ông Xuân và các hộ nhiều lần phản ánh, yêu cầu dừng đổ thải và phải có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn, nhưng Công ty CP Yên Phước không nhiệt tình hợp tác. Ông Xuân bất bình: “Sống dưới chân bãi thải, mỗi khi có mưa là nước từ bãi thải cuốn theo bùn, than chảy tràn xuống ao rộng lớn của gia đình nên mấy năm nay không nuôi được cá. Đặc biệt lo lắng là nguy cơ sạt lở vùi lấp nhà cửa, tài sản, chết người, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đơn vị khai thác mỏ phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, nhưng họ không nhiệt tình. Người dân chúng tôi tôn trọng quy định của pháp luật, nếu không đã xảy ra xô xát với người của công ty”.
Trước tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng và tài sản người dân, mùa mưa năm 2020 chính quyền xã Na Mao và UBND huyện Đại Từ cắm biển cảnh báo, cử dân quân canh giữ các ngả đường để không cho người dân vào khu vực sạt lở, đồng thời đưa gia đình ông Xuân và ba gia đình khác vào diện phải di dời khẩn cấp. Ông Xuân than phiền: “Mùa mưa vừa qua chúng tôi phải khăn gói di tản ba lần trong đêm để tránh nguy cơ sạt lở, mỗi lần di tản là phải ở nhờ nhà anh em, hàng xóm rất bức bối, thiếu thốn và kéo theo biết bao phiền lụy”.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản các hộ gia đình dưới chân bãi thải, chính quyền địa phương yêu cầu Công ty CP Yên Phước đền bù, hỗ trợ đất đai, tài sản để người dân chuyển đến chỗ ở mới càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, công ty này chỉ đồng ý hỗ trợ nhà cửa, tài sản trên đất, còn đất đai thì không. Thấp thỏm sống dưới bãi thải có nguy cơ sạt lở lớn, ông Vi Văn Lục và con, cháu nóng lòng được chuyển đến nơi ở mới, ông Lục bức xúc: “Chuyển đến nơi ở mới, chúng tôi phải mua đất để làm nhà, đằng này không hỗ trợ đất đai thì chúng tôi lấy đâu tiền mua đất nên không di chuyển được”.
Trong quá trình nổ mìn khai thác than, Công ty CP Yên Phước còn làm 90 ngôi nhà và công trình xây dựng của nhân dân ở phía dưới bị nứt. Cơ quan chức năng yêu cầu thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá thiệt hại để có cơ sở khắc phục, nhưng công ty này tự ý thỏa thuận với các hộ dân mức đền bù. Do mức đền bù quá thấp nên đến nay một số hộ không chấp nhận.
Gây thiệt hại đối với sản xuất
Từ năm 2019 đến nay, cứ mỗi khi mưa to là bãi thải mỏ than Minh Tiến lại sạt trượt gây nên tình trạng vùi lấp ruộng vườn, công trình thủy lợi của người dân xã Na Mao. Cứ mỗi lần như vậy, Công ty CP Yên Phước lại hỗ trợ sản lượng lương thực, tiền công để người dân tự hót dọn, khắc phục. Vụ mùa năm 2020 kết thúc đến nay đã hai tháng, nhiều diện tích không cấy được hoặc bị giảm năng suất do sạt lở vùi lấp mà người dân chưa nhận được hỗ trợ sản lượng. Đến nay, còn hơn một ha đất cấy lúa bị sạt lở vùi lấp quá sâu không canh tác được; 700 m kênh mương dẫn nước tưới của người dân xóm Ao Soi bị san bằng, vùi lấp hoàn toàn, công ty hứa khắc phục, trả lại trạng thái như ban đầu nhưng vẫn bỏ đó.
Không chỉ có vậy, do việc khai thác than, đổ thải trên lưng chừng núi, mùa hanh khô bụi từ bãi thải, bãi than theo gió bay xuống dưới gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Na Mao Nông Văn Đông cho biết: “Từ ngày 11 đến 17-11 vừa qua, UBND xã nhận được 15 đơn của người dân phản ánh bụi từ mỏ than Minh Tiến tỏa xuống phủ lên diện tích chè nên không thể thu hoạch. Khai thác than trên địa bàn từ năm 2018, đến nay Công ty CP Yên Phước không có hoạt động nào hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội mà toàn gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Mỗi khi đất ruộng, nhà cửa, công trình của dân bị sạt lở vùi lấp do nổ mìn, UBND xã chúng tôi mất rất nhiều thời gian để đi nắm bắt, đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại. Nhưng mỗi khi chính quyền yêu cầu làm việc, phía công ty đòi hỏi phải có công văn đặt lịch trước”.
Giữa năm 2020, Sở Công thương Thái Nguyên ban hành Kết luận thanh tra liên ngành về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty CP Yên Phước, chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó điển hình là không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lấn chiếm hàng chục ha đất ngoài chỉ giới mỏ và bị phạt hành chính, truy thu nghĩa vụ tài chính còn thiếu gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 công ty này vẫn chưa khắc phục hai sai phạm điển hình này.
UBND xã Na Mao đã từng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đình chỉ khai thác mỏ than Minh Tiến cho đến khi Công ty CP Yên Phước khắc phục triệt để những thiệt hại mà doanh nghiệp gây ra đối với sản xuất, đời sống, nhà cửa của người dân, chỉ khi bảo đảm an toàn bãi thải thì mới cho khai thác than trở lại.